Cẩm Nang | Viêm khớp cổ tay: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp cổ tay: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp cổ tay là nguyên nhân gây ra đau cổ tay, tình trạng này thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Các triệu chứng của bệnh khá tương đồng với hội chứng ống cổ tay hoặc viêm gân, nên có khá nhiều người nhầm lẫn giữa việc viêm khớp cổ tay với tình trạng đau nhức gân tay. Hãy cùng chuyên gia Hapacol tìm hiểu cách phân biệt các tình trạng trên nhé!

 

Viêm khớp cổ tay thường hay xuất hiện ở người cao tuổi nhưng cũng có nhiều trường hợp người trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này. Đây là căn bệnh xương khớp phổ biến, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng của tình trạng viêm khớp ở khu vực cổ tay để có cách chữa phù hợp nhất,

1. Viêm khớp cổ tay là gì?

Viêm khớp cổ tay xảy ra khi bề mặt phần sụn ở giữa khớp cổ tay bị mòn dần đi theo thời gian hoặc bị tổn thương, làm lộ phần xương. Khi giữa những khớp xương cổ tay không tồn tại phần sụn đệm, bạn sẽ gặp tình trạng đau nhức do các xương chạm vào nhau hay chèn ép lên dây chằng.

Viêm khớp cổ tay dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng đau nhức gân tay

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh:

  • Cứng khớp
  • Mất sức, yếu khớp
  • Sưng
  • Phạm vi chuyển động của khớp bị hạn chế
  • Phát ra âm thanh khi cử động

Có 4 loại viêm khớp có khả năng ảnh hưởng lên khớp cổ tay là:

  • Viêm xương khớp: phát triển viêm do lớp sụn tự nhiên bị mài mòn theo thời gian
  • Viêm khớp dạng thấp: một rối loạn tự miễn khi hệ miễn dịch tự tấn công các mô của cơ thể
  • Viêm khớp vẩy nến: tình trạng viêm da và khớp
  • Viêm khớp sau chấn thương: xảy ra sau khi bị chấn thương cổ tay

Những người viêm khớp dạng thấp sẽ có khả năng cao bị viêm khớp cổ tay. Lâu ngày, tình trạng viêm khớp khiến bạn khó uốn cong được cổ tay, cản trở thực hiện công việc hay hoạt động thường ngày.

2. Nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay

Nguyên nhân chính của bệnh viêm khớp thường do độ tuổi. Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dần và sụn khớp cũng không ngoại lệ. Khi sụn khớp bị lão hóa, tình trạng viêm nhiễm khiến sụn bị hao mòn, gây ra hiện tượng sưng khớp cổ tay.

Chấn thương có thể gây đau nhức gân tay

Bên cạnh đó, có những lý do phổ biến khiến bạn có nguy cơ mắc phải tình trạng này:

  • Chấn thương:Các chấn thương do va chạm mạnh ở ngoài như tai nạn giao thông, tai nạn lao động… sẽ tác động và khiến cho khớp cổ tay chịu áp lực lớn. Từ đó dẫn đến viêm khớp, trật khớp, làm cho lực cổ tay bị sưng. Ngoài ra, các chấn thương còn có thể có cách ảnh hưởng khác, gây đau nhức gân tay hoặc đau nhức mu bàn tay.
  • Mất ổn định cổ tay: Tình trạng này xảy ra sau chấn thương dây chằng nhỏ và xương ở cổ tay (xương ống tay và dây chằng ống cổ tay). Khi các cấu trúc này bị tổn thương, chuyển động bình thường sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến mài mòn sụn ở khớp cổ tay.
  • Hội chứng ống cổ tay: Xuất hiện ở những người ở độ tuổi 40. Lúc này, cổ tay và bàn tay gặp phải những rối loạn tiết dịch ở quanh dây thần kinh cổ tay. Tình trạng này khiến tay bị đau nhức, viêm, sưng, tê cứng…
  • Di truyền: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử về bệnh xương khớp thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, tức là bệnh có thể ảnh  hưởng đến toàn bộ cơ thể. Tình trạng viêm nghiêm trọng ở khớp có thể phá hủy xương và sụn bình thường.

3. Các triệu chứng viêm khớp cổ tay

Không phải ai bị viêm khớp cũng sẽ có những triệu chứng giống nhau, tất cả phụ thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm.

Những người bị viêm khớp nhẹ cũng thường bị cứng cổ tay vào buổi sáng

Viêm khớp nhẹ

Với các triệu chứng nhẹ, bạn sẽ khó có thể mô tả chính xác cảm giác xuất hiện ở cổ tay cho bác sĩ đánh giá. Đó có khi chỉ là cảm giác bất thường nằm sâu trong cổ tay hoặc đơn giản là cảm thấy đau ở cổ tay khi:

  • Xoay tay nắm cửa
  • Cầm vợt tenis, cầu lông hay đánh golf
  • Vặn nắp bình nước

Những người bị viêm khớp nhẹ cũng thường bị cứng cổ tay vào buổi sáng. Sau khi nghỉ ngơi, bạn có thể cảm thấy đỡ hơn nhưng cơn đau lại xuất hiện vào ban đêm. Các hoạt động cũng khiến cơn đau “đến và đi” nhiều lần trong ngày.

Viêm khớp vừa

Khi bị viêm khớp không quá nặng, bạn có thể cảm thấy đau nhói ở nhiều lúc. Các cử động có khi bị hạn chế và hoạt động thường ngày cũng khó thực hiện hơn. Thậm chí, bạn có khi cảm thấy đau trong khi nghỉ ngơi.

Những dấu hiệu do viêm khớp gây ra cũng rõ ràng hơn. Cổ tay trở nên sưng tấy và khi chạm vào thấy mềm. Chụp X-quang có thể không thấy được khoảng không gian bình thường có trong khớp cổ tay.

Viêm khớp nặng

Nếu bị viêm khớp nặng, bạn hầu như không thực hiện được các hoạt động dùng đến sức từ bàn tay. Đối với các trường hợp nghiêm trọng và mạn tính, những cơn đau bùng phát vẫn không giảm bớt sau khi nghỉ ngơi.

Hơn thể nữa, phạm vi cử động của khớp cổ tay cũng sẽ bị hạn chế và có khi hình dạng khớp cổ tay sẽ biến dạng khi các mô đã mòn. Bạn thậm chí không muốn ai đụng vào cổ tay của mình.

Viêm khớp nặng gây ra rất nhiều đau đớn, sẽ cần đến các thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định từ bác sĩ để kiểm soát được tình trạng bệnh. Cơn đau cũng có khả năng gây ra lo âu và trầm cảm cho người bệnh, khó tập trung vào những hoạt động khác.

4. Điểm khác biệt giữa viêm khớp cổ tay và các tình trạng tương tự

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của viêm khớp cổ tay có thể tương tự như hội chứng ống cổ tay hoặc viêm gân, gây đau nhức cổ tay hoặc đau nhức gân tay. Viêm khớp cũng làm tăng nguy cơ cho cả hai tình trạng trên do viêm.

Viêm khớp cổ tay và hội chứng ống cổ tay

Viêm khớp cổ tay Những triệu chứng chung Hội chứng ống cổ tay
Sưng Cảm thấy triệu chứng tệ hơn vào buổi sáng Có liên quan đến ngón tay cái và những ngón khác, trừ ngón út
Đỏ Đau tay Đau khi lặp lại các cử động tay
Giảm khả năng cử động Tê tay Tê, đau hoặc cảm thấy ngứa ran trên cánh tay
Đau khớp

Viêm khớp cổ tay và viêm gân

Viêm khớp cổ tay Những triệu chứng chung Viêm gân
Đau ở ngay vị trí khớp bị viêm Viêm Đau xung quanh khớp
Có xu hướng tiến triển tệ dần theo thời gian Đau, tê tay Cảm thấy đỡ hơn khi được nghỉ ngơi và điều trị

5. Làm thế nào để phát hiện viêm khớp cổ tay?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách xem xét, đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn cũng như tiến hành khám thực thể. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tay xem có đau, sưng hay không. Vị trí bị sưng cũng giúp xác định được bộ phận bị ảnh hưởng (chẳng hạn như khớp hoặc gân).

Khi bị đau nhức tay, nên gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây đau nhức cổ tay

Bên cạnh đó, bạn sẽ phải thực hiện các động tác để kiểm tra phạm vi cử động của khớp để xác định mức độ nhẹ, vừa hay nặng, đồng thời để phân biệt với tình trạng khác.

Nếu nghi ngờ mắc viêm khớp cổ tay, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang và xét nghiệm máu để xác định rõ loại viêm khớp bạn đang mắc phải. Xét nghiệm máu giúp phát hiện một số loại protein kháng thể và những chỉ dấu viêm (marker) để loại trừ tình trạng viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp. Trong khi đó, kết quả từ xét nghiệm hình ảnh giúp nhìn thấy tổn thương đang tồn tại ở khớp và mức độ của nó.

6. Điều trị viêm khớp cổ tay hiệu quả

Một số biện pháp đơn giản thực hiện được tại nhà có thể giúp bạn hạn chế những nỗi đau từ viêm khớp ở cổ tay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên kết hợp điều trị tại nhà cùng với các phương pháp điều trị y tế theo chỉ định.

Thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid (NSAID) là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị tình trạng viêm khớp cổ tay hoặc đau nhức gân tay

Biện pháp tại nhà và thay đổi lối sống

Những biện pháp chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất khi bạn đảm bảo thực hiện chúng liên tục, từ ngày này sang ngày khác.

  • Thay đổi lối sống: Nhiều người bệnh sau khi điều chỉnh các hoạt động thường ngày đã giảm bớt đáng kể những triệu chứng viêm khớp ở cổ tay. Bạn cũng nên tránh một số hoạt động như nâng hay mang vác đồ nặng để tình trạng viêm không trở nặng.
  • Nẹp cổ tay: Hỗ trợ từ nẹp có thể hữu ích cho người bệnh. Dụng cụ nẹp sẽ hỗ trợ nhẹ nhàng cho những hoạt động cổ tay.
  • Chườm nóng: Đây là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho viêm khớp ở cổ tay.

Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc thường dùng có tác dụng kháng viêm và hỗ trợ giảm đau:

  • Thuốc kháng viêm: Các thuốc giảm đau không steroid (NSAID) là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị tình trạng này.
  • Tiêm cortisone: Cortisone là một loại thuốc kháng viêm mạnh. Tuy nhiên, bạn cần thảo luận về lợi ích và tác dụng phụ có khả năng xảy ra khi điều trị với bác sĩ.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không được chỉ định để điều trị viêm khớp ở cổ tay nhưng với một số trường hợp nghiêm trọng hoặc các phương pháp khác không có hiệu quả thì người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật.

Các phẫu thuật thường dùng để điều trị tình trạng này:

  • Cố định cổ tay (wrist fusion): Phẫu thuật này sẽ cố định xương từ cánh tay đến xương ở cổ tay và bàn tay liền với nhau. Phẫu thuật cố định này có khả năng giảm đau do viêm khớp nhưng gây hạn chế cử động bình thường.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hàng thứ nhất cổ tay (proximal row carpectomy): Thủ thuật này sẽ loại bỏ ba trong số các xương nhỏ của khớp cổ tay. Bằng việc loại bỏ xương khớp, cơn đau sẽ giảm dần.
  • Thay thế cổ tay: Phẫu thuật thay thế cổ tay được thực hiện để loại bỏ xương bị tổn thương và thay thế bằng cách cấy ghép kim loại và plastic.

Ngoài những phương pháp để giảm đau trên còn có một số cách giảm đau tự nhiên hiệu quả tại nhà mà bạn có thể tham khảo có thể giúp bạn làm giảm các cơn đau viêm khớp cổ tay. Hi vọng bài viết trên có thể giúp bạn biết được nguyên nhân và cách điều trị viêm khớp cổ tay hiệu quả. Đừng quên theo dõi Hapacol để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe nhé!


Nguồn tham khảo: 

What Does Wrist Arthritis Feel Like?: https://www.healthline.com/health/arthritis-wrist

https://solife.vn/product/các-cách-bổ-sung-vitamin-c-hiệu-quả-và-những-lưu-ý/205/

Các bài viết khác

SỐT ĐAU HỌNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT Ở NGƯỜI LỚN

Sốt đau họng tuy rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu về các triệu chứng cũng như cách khắc phục...

Tìm hiểu những cách giảm đau nhức nhanh chóng và hiệu quả

Cơn đau nhức khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Cơn đau có...

Mách bạn những cách trị đau răng tại nhà hiệu quả

Khi bị đau răng, bạn nên tìm đến nha sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu bạn chưa hẹn lịch được...

Hiện tượng bé mọc răng: Dấu hiệu và cách chăm sóc

Khi thấy triệu chứng mọc răng ở trẻ, sự chuẩn bị của bố mẹ lúc này là vô cùng cần thiết để...

Hướng dẫn bé tập đánh răng đúng cách

Một hàm răng đẹp hay không phụ thuộc vào việc bố mẹ có hướng dẫn bé tập đánh răng mỗi ngày hay không....

Những thông tin hữu ích về đau cơ bụng

Đau cơ bụng là một vấn để thường gặp phải khi bạn vận động sai tư thế, kỹ thuật hay sau khi...