Dinh dưỡng rất quan trọng khi bé bị tiêu chảy cấp. Khi chăm sóc bé, bố mẹ đừng quên chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, ăn uống sao cho khoa học để bé nhanh chóng hồi phục. Cùng tìm hiểu ngay tại đây.
Nhận dạng tiêu chảy cấp ở trẻ: đi tiêu nhiều hơn bình thường, phân lỏng hoặc có dịch nhầy. Trong 2-3 ngày đầu trẻ đi tiêu rất nhiều. Những nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em đó là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng…
Khí hậu gió mùa, nóng ẩm ở Việt Nam rất dễ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch tiêu chảy cấp, nhất là Rotavirus trong mùa khô, lạnh. Môi trường và thói quen sinh hoạt có thể khiến bé bị tiêu chảy cấp như ăn dặm sai đúng cách, ô nhiễm nguồn nước, thực phẩm bẩn… Vậy làm thế nào để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em?
Tham khảo thêm tại:
4 LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI TRẺ BỊ BỆNH VIÊM MŨI HỌNG
Tiêu chảy cấp ở trẻ em làm cơ thể bị mất nước và chất điện giải (natri, kali, canxi và magie) khiến trẻ mệt mỏi, suy nhược. Do đó bố mẹ cần phải biết bù dinh dưỡng cho bé để tăng sức đề kháng, để trẻ hồi phục nhanh trở lại.
Trẻ bị tiêu chảy cấp cần gì nhất? Đó là bù nước. Mỗi lần đi ngoài, cơ thể trẻ mất đi 1 lượng nước đáng kể, do đó bạn phải tích cực bù nước cho bé hơn bình thường. Ngoài ra bố mẹ có thể cho bé uống thêm nước oresol, nước sôi để nguội đồng thời cho bé ăn thêm cháo có pha chút muối, uống nước cơm…
Trẻ bị tiêu chảy cấp cần bù nước cho cơ thể
Vậy trẻ bị tiêu chảy cấp uống thuốc gì? Tùy theo mức độ của bệnh cũng như nguyên nhân của bệnh. Việc sử dụng thuốc phải căn cứ vào chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng tùy ý.
Bù nước cho bé bị tiêu chảy cấp như sau:
Với trẻ dưới 2 tuổi, cho bé uống từ 50 – 100ml nước oresol.
Với trẻ từ 2 – 10 tuổi, uống từ 100 – 200ml nước oresol.
Với trẻ từ 10 tuổi trở lên thì cho bé uống theo nhu cầu.
Khi bị bệnh tiêu chảy cấp, bố mẹ không nên kiêng cữ gì cho con vì thiếu dinh dưỡng càng khiến tình trạng bệnh kéo dài hơn. Tuy nhiên hệ tiêu hóa của bé lúc này chưa ổn định lại, do đó bạn có thể chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày cho bé. Cho trẻ dưới 6 tháng bú nhiều cữ hơn bình thường. Còn với trẻ lớn bắt đầu ăn dặm, duy trì thực đơn giàu đạm, tinh bột và vitamin.
Một số lưu ý khi cho bé ăn:
Không bắt bé ăn quá nhiều, thay vào đó chia nhỏ ra thành nhiều bữa ăn trong ngày.
Nấu các món ăn dạng lỏng như cháo, súp.
Những thực phẩm nên bổ sung cho bé: thịt lợn, thịt gà, cá, trứng, trái cây tươi và rau củ. Nên nấu chín, ninh nhừ cà rốt, đậu xanh, nấm, củ dền, bí đao… để trẻ dễ ăn.
Bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua, chứa các men vi sinh tốt cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên nếu trẻ không hấp thụ được sữa chua và vẫn tiếp tục tiêu chảy, hãy dừng ngay lập tức.
Cho bé ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu
Không nên cho bé ăn các loại thức ăn khó tiêu như đồ chiên xào, rán ngập dầu, thức ăn nhanh, đồ ngọt…
Không cho bé ăn nhiều loại trái cây, rau củ có thể gây đầy bụng như: bông cải xanh, ớt, đậu, đậu Hà Lan, các loại quả mọng, mận, đậu xanh, rau lá xanh và ngô (bắp).
Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em khiến hệ đường ruột mất đi một lượng vi sinh vật có lợi. Chính sự mất cân bằng này làm các vi khuẩn có hại tăng lên, khiến tiêu chảy kéo dài hơn. Do đó để tăng cường hệ miễn dịch và cân bằng hệ vi sinh vật, bố mẹ nên cho trẻ uống thêm các sản phẩm chứa nấm men vi sinh nhằm hỗ trợ điều trị các chứng tiêu chảy.
Điều quan trọng nhất để trẻ không bị tiêu chảy cấp đó là đảm bảo việc ăn uống của trẻ luôn được an toàn và khoa học. Trong thời gian bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên chọn ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng để tốt cho sự phát triển của bé cũng như bổ sung những lợi khuẩn cho đường ruột.
Với trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ nên nhớ:
– Cho bé ăn chín, uống sôi hoàn toàn. Không ăn đồ để qua đêm, không ăn đồ tái/sống.
– Nguồn thực phẩm an toàn, tự nhiên không chứa hóa chất bảo quản.
– Nếu dùng đồ làm sẵn, nên chú ý xem thời hạn sử dụng.
– Không hâm đi hâm lại đồ ăn, chỉ nên cho bé ăn đồ chế biến trong ngày.
– Tạo cho bé thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng.
– Không nên cho trẻ ăn ngoài quá nhiều lần, đồ ăn đóng hộp…
Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng cho bé bị tiêu chảy cấp. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn đọc biết cách chăm sóc bé khi bị bệnh rồi nhé!
Nguồn: https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/nhi-khoa/van-de-tieu-hoa-tre-em/tre-bi-tieu-chay-nen-an-gi-2/