Viêm họng có lây không? Cách phòng ngừa viêm họng
Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng và có khả năng tái phát cao. Vậy viêm họng có lây không và có những nguyên nhân gì gây ra viêm họng? Cùng điểm qua những nội dung ấy với Hapacol nhé!
1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc họng và vùng hầu. Bệnh viêm họng thường ủ trong người khoảng 2-7 ngày. Sau đó, gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt, ho,… Viêm họng có thể đến từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là những nguyên nhân phổ biến sau (1):
- Viêm họng do virus: Các loại virus thường gây viêm họng bao gồm virus Epstein-Barr (gây bệnh mononucleosis), rhinovirus (gây cảm lạnh) và adenovirus.
- Viêm họng do vi khuẩn: Ngoài viêm họng liên cầu khuẩn, viêm họng có thể do nhiều loại vi khuẩn khác gây ra như Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae.
- Do dị ứng: Hệ thống miễn dịch của cơ thể tự động phản ứng trước các tác nhân gây dị ứng như bụi, mạt nhà, phấn hoa, cỏ và lông thú cưng bằng cách sản xuất các chất gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, ngứa cổ họng…
- Không khí khô và lạnh: Có thể làm khô niêm mạc họng, làm tăng nguy cơ viêm họng và thường xảy ra trong mùa đông.
- Chất kích thích: Thuốc lá, hóa chất từ môi trường làm tăng khả năng viêm họng.
- Tác động cơ học: Các tác động như la hét, hát to, nói to có thể gây căng cơ trong họng và dẫn đến viêm họng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Làm tăng sự tiếp xúc của niêm mạc họng với axit dạ dày, gây viêm họng.
- Nhiễm HIV: Hệ miễn dịch suy yếu ở người nhiễm HIV làm cho họ dễ bị nhiễm trùng và viêm họng có thể xuất hiện là một biểu hiện của suy yếu miễn dịch.
- Khối u: Các khối u ở vùng họng có thể gây ra viêm họng và triệu chứng đau đớn khác.
Một số nguyên nhân gây viêm họng
2. [Giải đáp] Người bị viêm họng có lây không?
Các tác nhân gây viêm họng thường tấn công cơ thể vào thời tiết giao mùa hoặc khi sức đề kháng của cơ thể yếu. Vậy nên người bị viêm họng thường cảm thấy ngứa rát ở cổ, sưng tấy, ho nhiều và nếu không được điều trị kịp thời rất dễ bị viêm amidan,…
Vậy viêm họng có lây không? Câu trả lời là có, tuy nhiên viêm họng không tự mình lây nhiễm mà phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân khác. Người bị viêm họng có thể trở thành nguồn lây nhiễm nếu chia sẻ các dịch tiết hoặc vật dụng cá nhân có chứa tác nhân gây bệnh cho người khác. Tác nhân đó có thể là đờm, dịch tiết mũi và nước bọt của người bệnh.
Ngoài ra, các loại viêm họng khác nhau có mức độ lây nhiễm khác nhau. Đối với viêm họng do virus cảm lạnh thường lây nhiễm dễ dàng hơn so với viêm họng do vi khuẩn. Nguy cơ lây nhiễm cũng phụ thuộc vào việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân và hạn chế khi tiếp xúc với người bệnh.
3. Bệnh viêm họng lây qua những đường nào?
Viêm họng dễ lây qua tiếp xúc, nói chuyện gần
Bị viêm họng có lây không? Và nếu có thì lây qua đường nào? Khả năng lây nhiễm bệnh còn phụ thuộc và nguyên nhân gây bệnh. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế hiện nay thì viêm họng chủ yếu lây qua 2 đường chính là qua tiếp xúc trực tiếp và qua tiếp xúc gián tiếp (1).
- Tiếp xúc trực tiếp: Vi khuẩn và virus gây viêm họng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Việc nói chuyện quá gần hoặc tiếp xúc với giọt bắn mũi họng, nước bọt cũng như các dịch tiết khác từ người bệnh có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Tiếp xúc gián tiếp: Vật dụng cá nhân của người bệnh như đồ ăn uống cùng, bàn chải đánh răng, khăn tay hoặc các bề mặt mà người bệnh đã tiếp xúc có thể lưu trữ tác nhân gây bệnh. Nếu người khác sử dụng chung các vật dụng này mà không vệ sinh sạch sẽ thì khả năng bị lây nhiễm là rất cao.
4. Những cách phòng ngừa bệnh viêm họng hiệu quả
Vì viêm họng có khả năng lây lan nên cần chú ý đến các biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ lây nhiễm viêm họng và bảo vệ sức khỏe. Những cách phòng ngừa bệnh viêm họng hiệu quả bạn cần chú ý (2):
- Đeo khẩu trang khi trò chuyện với người khác, giúp ngăn chặn việc phát tán giọt bắn.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị viêm họng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi hắt hơi và trước khi ăn.
- Chăm sóc răng miệng đúng cách.
- Tránh sử dụng chung đồ uống, bàn chải đánh răng, khăn tay và các vật dụng cá nhân với người khác.
- Ăn uống đa dạng, bổ sung vitamin và khoáng chất, duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bị viêm họng.
- Không dùng đồ lạnh khi có triệu chứng viêm họng.
- Bảo vệ cơ thể khỏi những biến đổi thời tiết đột ngột có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm họng.
- Thường xuyên vệ sinh điện thoại, điều khiển tivi, bàn phím. Khi đi du lịch nên vệ sinh điện thoại, điều khiển tivi và điều hòa bằng nước sát trùng.
- Luyện tập thể thao đều đặn có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Một số cách phòng ngừa viêm họng hiệu quả
Bài viết trên đây của Hapacol đã giải đáp thắc mắc cho câu hỏi viêm họng có lây không? Để phòng tránh viêm họng đặc biệt là trong thời tiết giao mùa hiện nay hãy chú ý đến các biện pháp phòng ngừa viêm họng nhé!