Cẩm Nang | BỆNH THUỶ ĐẬU Ở TRẺ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG & BIẾN CHỨNG CẦN LƯU Ý

BỆNH THUỶ ĐẬU Ở TRẺ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG & BIẾN CHỨNG CẦN LƯU Ý

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ em lẫn người lớn. Sốt cao khi bị thủy đậu là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng khôn lường về sau. Bài viết dưới đây Hapacol sẽ mang đến bạn những thông tin chi tiết hơn đặc biệt là bệnh thủy đậu ở trẻ.

Bệnh thủy đậu ở trẻ là gì?

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, đặc biệt phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trong khu vực có mật độ dân cư đông và thời điểm giao mùa. Nhiều người thường lầm tưởng rằng thủy đậu chỉ là một bệnh da, do đó họ thường không quan tâm và chỉ lo lắng về những vết mụn nước mà thủy đậu gây ra, vì điều này có thể để lại sẹo gây tổn thương về mặt thẩm mỹ. 

Tuy nhiên, biến chứng của thủy đậu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là nguy cơ mắc viêm phổi, rối loạn tâm thần, hôn mê, viêm não, co giật,… và nguy hiểm nhất là có thể gây ra tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên triệu chứng giữa thủy đậu và sởi khá giống nhau khiến nhiều người nhầm lẫn. Chính vì thế hãy đọc bài viết: Phân biệt bệnh sởi và thủy đậu ở trẻ em để nhận biết được nhé

Một số nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ

Bệnh thủy đậu ở trẻ em được gây ra do sự lây lan của virus Varicella-Zoster, một loại virus thuộc họ Herpes. Nguyên nhân chính gây bệnh bao gồm:

  • Tiếp xúc với người mắc bệnh: Thủy đậu lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt nước bọt hoặc nhờn từ người mắc bệnh hoặc qua các vật dùng chung với người bị nhiễm virus. Đây là nguyên nhân chính để trẻ em bị nhiễm virus và phát triển bệnh.
  • Hơi thở và những hạt dịch từ người mắc bệnh: Virus thủy đậu có thể lưu trữ trong hạt dịch từ viêm họng và mũi của người bị nhiễm. Khi người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi, virus có thể lây lan qua không khí và được hít vào đường hô hấp của người khác.

Các giai đoạn của bệnh thủy đậu

Giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn nhiễm virus, thời kỳ virus bắt đầu xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 10 – 20 ngày. Lúc này cơ thể trẻ không có biểu hiện gì bên ngoài.

Giai đoạn khởi phát (phát bệnh)

Bệnh bắt đầu bộc phát với những triệu chứng đầu tiên như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 – 48 giờ đầu. Một số trường hợp còn nổi hạch sau tai, kèm viêm họng.

Trẻ sốt cao khi bị thủy đậu

Sốt là dấu hiệu đặc trưng khi trẻ bị thủy đậu

Giai đoạn toàn phát

Trẻ bắt đầu sốt cao khi bị thủy đậu, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 – 3 mm. Các mụn nước gây ngứa rát và khó chịu cho trẻ.

Những nốt mụn nước này mọc dày hơn và xuất hiện toàn thân. Thậm chí chúng mọc cả vào niêm mạc miệng khiến việc ăn uống khó khăn. Một số trường hợp bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.

Giai đoạn hồi phục

Sau từ 7 – 10 ngày phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy dần và hồi phục trở lại. Trong giai đoạn này cần bố mẹ cần vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận, tránh để nhiễm trùng. Kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo, thuốc trị thâm thường xuyên để tránh bệnh thủy đậu để lại dấu tích trên da.

Cách chữa trị bệnh thủy đậu ở trẻ em

Hiện nay, có các phương pháp điều trị thủy đậu nhằm giảm triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hạn chế các biến chứng xảy ra, đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng thứ cấp.

  • Điều trị bằng thuốc: Trong quá trình điều trị thủy đậu ở trẻ em, có thể sử dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, giảm đau và một số thực phẩm bổ sung vitamin. Đối với trẻ bị bội nhiễm, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Quan trọng nhất là tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc cho trẻ.
  • Hỗ trợ chăm sóc tại nhà: Đối với những trường hợp thủy đậu ở mức độ nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà theo phác đồ thuốc và tái khám đúng hẹn. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà:
    • Chấm methylen hoặc thuốc tím 1/4000 lên các vết thủy đậu đã vỡ nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng.
    • Thoa kem dưỡng da calamine hoặc cho trẻ uống thuốc kháng histamin, như clorpheniramin, để giảm ngứa cho trẻ.
    • Mặc quần áo mềm, rộng rãi, thoáng mát và có khả năng thấm hút tốt để hạn chế chà xát lên các vết thủy đậu.
    • Cắt móng tay và đeo bao tay cho trẻ nhằm ngăn ngừa trường hợp trẻ gãi ngứa khi ngủ.
    • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt và giảm đau khi có triệu chứng sốt cao hoặc đau mỏi dữ dội theo chỉ định của bác sĩ.
    • Vệ sinh cơ thể và thay đồ thường xuyên cho trẻ để giúp da sạch sẽ, thông thoáng và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
    • Đảm bảo trẻ uống đủ nước để làm dịu cơn đau và bù lại lượng nước bị mất do thủy đậu.

Tuy nhiên, để chính xác hơn về tình trạng sức khỏe, mức độ nghiêm trọng của bệnh và làm thế nào để điều trị thủy đậu đúng cách thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ phù hợp.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu

Khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu, có một số lưu ý quan trọng mà bạn nên ghi nhớ:

  • Đảm bảo vệ sinh tốt: Hãy giữ vùng da của trẻ sạch sẽ bằng cách tắm trẻ hàng ngày. Sử dụng nước ấm và sữa tắm nhẹ, tránh sử dụng các loại xà phòng hay chất tẩy rửa có thể gây kích ứng da. Sau khi tắm, lau khô nhẹ nhàng bằng khăn mềm mà không cọ xát hay xoa mạnh lên các vết thủy đậu.
  • Tránh gãi ngứa: Gãi ngứa có thể làm tổn thương da và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Để ngăn ngừa trẻ gãi ngứa, hãy cắt ngắn móng tay trẻ và đeo bao tay cho trẻ khi đi ngủ.
  • Sử dụng các biện pháp giảm ngứa: Thủy đậu thường gây ngứa khó chịu cho trẻ. Bạn có thể thoa kem dưỡng da chứa calamine lên các vết thủy đậu để giảm ngứa. 
  • Mặc quần áo thoải mái: Chọn quần áo mềm, rộng rãi và thoáng mát cho trẻ. Tránh mặc quần áo bó chặt hay cứng, vì điều này có thể gây kích ứng và làm tổn thương da khi tiếp xúc với các vết thủy đậu.
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác: Thủy đậu là một bệnh lây truyền, nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp của trẻ với những người khác, đặc biệt là trẻ em khác và người lớn có thai. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của thủy đậu.
  • Tuân thủ đúng liều lượng thuốc: Nếu bác sĩ kê đơn thuốc cho trẻ, hãy tuân thủ đúng liều lượng và lịch trình uống thuốc. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc dùng các loại thuốc khác mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi triệu chứng và tình trạng của trẻ: Luôn lưu ý theo dõi triệu chứng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu có bất kỳ biến chứng hay triệu chứng nghiêm trọng nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Những lưu ý khi chăm sóc bệnh thủy đậu ở trẻ

Hạn chế để bé tiếp xúc với người khác

Những thực phẩm trẻ bị thủy đậu nên và không nên ăn

Khi trẻ bị thủy đậu, việc chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp hỗ trợ quá trình chữa lành và giảm triệu chứng. Dưới đây là một số thực phẩm trẻ nên và không nên ăn khi bị thủy đậu:

Thực phẩm trẻ nên ăn khi bị thủy đậu

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Trái cây như cam, chanh, dứa, kiwi và các loại rau xanh như cải xoăn, rau bina, rau diếp cá là những nguồn vitamin C tốt cho trẻ.
  • Thực phẩm giàu chất chống vi khuẩn: Đối với trẻ bị vỡ thủy đậu, việc ăn các thực phẩm giàu chất chống vi khuẩn như tỏi, hành, gừng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng.
  • Thực phẩm dễ tiêu: Trong giai đoạn trẻ bị thủy đậu, có thể trẻ cảm thấy khó tiêu hóa. Hãy cung cấp cho trẻ các thực phẩm dễ tiêu như cháo lúa mạch, cháo gạo, súp hấp hay thịt nướng nhẹ nhàng.
  • Thực phẩm giàu nước: Trẻ cần giữ cơ thể đủ nước để giảm triệu chứng khát và hỗ trợ quá trình phục hồi. Hãy đảm bảo trẻ uống đủ nước và cung cấp cho trẻ các thực phẩm giàu nước như trái cây tươi, nước ép hoặc nước lọc.

Thực phẩm trẻ không nên ăn khi bị thủy đậu:

  • Thực phẩm kích ứng da: Trong thời gian trẻ bị thủy đậu, tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có thể gây kích ứng da như hải sản, trứng, sữa và các loại hạt.
  • Thực phẩm cay và chua: Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm cay và chua như sốt cay, chanh, dấm, vì chúng có thể làm kích thích da và gây khó chịu cho trẻ.
  • Thực phẩm khó tiêu: Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa như thực phẩm nhiều chất xơ, thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm nặng.
  • Thực phẩm gây dị ứng: Nếu trẻ đã có dấu hiệu dị ứng đối với một loại thực phẩm nào đó, hãy tránh cho trẻ ăn loại thực phẩm đó.

Những biến chứng của bệnh

Nhìn chung thủy đậu là căn bệnh lành tính, chúng vốn sẽ tự khỏi sau 1 thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh không có rủi ro biến chứng. Các biến chứng bệnh thủy đậu gồm:

  • Nhiễm trùng, gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do trẻ không nhịn được mà dùng tay gãi ngứa.
  • Gây viêm não, viêm màng não (xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, xác suất xảy ra ở người lớn cao hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao co giật, hôn mê, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
  • Viêm phổi thủy đậu: thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.
  • Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.

Cách phòng ngừa thủy đậu

Tiêm chủng vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, hãy chủ động đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để tiêm theo đúng liều lượng quy định. Tiêm thủy đậu ở trẻ có 2 mũi, đó là:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.

Mũi 2: Trẻ từ 1 – 13 tuổi: tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng. Với trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.

Tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ để phòng bệnh

Tiêm ngừa chính là cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả ở trẻ

Trong trường hợp có tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà trẻ chưa tiêm ngừa vắc xin thủy đậu, cần tiêm chủng ngừa ngay trong 3 ngày sau đó. Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm bệnh, không chạm vào các mụn nước thủy đậu. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nhiều người, không nên đi học trong thời gian bị bệnh để tránh lây lan trong cộng đồng.

Tuy là căn bệnh lành tính, thế nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan khi thấy trẻ sốt cao khi bị thủy đậu, nổi mụn nước… Dù trong trường hợp nào, trẻ cũng cần được chăm sóc đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Các bài viết khác

Viêm họng hạt có mủ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm họng hạt có mủ là một vấn đề phổ biến về sức khỏe mà nhiều người gặp phải. Trong bài viết...

BỊ THUỶ ĐẬU CÓ SỐT KHÔNG? THỜI GIAN KÉO DÀI VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở nước ta. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ hiểu...

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao ba mẹ đã biết cách xử lý chưa?

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khiến trẻ khó thở, thở khò khè, không ngủ được… Vậy mẹ cần làm gì để giúp...

11 cách giảm đau tự nhiên hiệu quả mà bạn chưa biết

Paracetamol là một trong những loại thuốc giảm đau phổ biến, nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ gặp nhưng...

[Giải đáp] Viêm mũi xoang xuất tiết gây nguy hiểm không?

Viêm mũi xoang xuất tiết là tình trạng mà các xoang ở cạnh mũi bị viêm nhiễm và tiết ra nhiều dịch,...

Viêm họng có lây không? Cách phòng ngừa viêm họng

Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng và có khả năng...