Sốt cao co giật ở trẻ có thể xảy ra bất ngờ không lường trước. Chính vì thế, để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng của sốt cao co giật đến sức khỏe của trẻ, bố mẹ nên nắm bắt cách xử lý nhanh chóng, kịp thời khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường.
Khi trẻ bị sốt, trung tâm điều nhiệt ở não trẻ (nôm na như bộ máy điều hòa) sẽ hoạt động để tăng thải nhiệt, nhằm kéo nhiệt độ cơ thể về bình thường. Hoạt động thải nhiệt này sẽ làm giãn mạch máu, đổ mồ hôi, mất nước trong cơ thể trẻ. Nếu nhiệt độ tiếp tục gia tăng vượt quá ngưỡng kiểm soát của não bộ, dẫn đến kích thích hệ thần kinh, gây nên trạng thái co giật khi sốt cao (thường trên 38,5 độ C).
Khi co giật, trẻ hoàn toàn mất nhận thức, hai hàm có khuynh hướng cắn chặt. Với trẻ đang mọc răng hành động này rất dễ gây tổn thương lưỡi.
Những việc bố mẹ cần làm đầu tiên khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao co giật:
Dùng thuốc hạ sốt khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt co giật
Nếu thân nhiệt vẫn không hạ, bố mẹ có thể cho trẻ vào bồn nước ấm từ 34 – 35 độ C, ngập thân nhưng luôn giữ cho phần đầu cổ được khô ráo, tránh làm trẻ hoảng sợ, sặc nước. Tắm nhanh trong vòng 5 phút, sau đó lau khô người, mặc áo mỏng thoáng, không đắp chăn dày. Việc này giúp cơ thể trẻ trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài và làm nhiệt độ cơ thể giảm từ từ tránh tình trạng trẻ bị sốc nhiệt.
Sau các bước này, tốt nhất bố mẹ nên đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tìm nguyên nhân, không nên tự ý để trẻ ở nhà và tiếp tục điều trị, vì cơn sốt có thể quay trở lại và bố mẹ không nên cho trẻ uống tiếp liều thuốc hạ sốt thứ hai trước 6 giờ kể từ liều thứ nhất.
Không nên hốt hoảng ôm trẻ chạy ngay đến bệnh viện khi bé mới bắt đầu lên cơn co giật, hãy bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn xử lý khi trẻ sốt cao co giật như trên.
Việc điều trị cho trẻ nên có sự chỉ định của bác sĩ
Một số phụ huynh có quan điểm tuyệt đối không muốn cho trẻ dùng kháng sinh. Do đó họ có tâm lý chỉ nghe theo những bác sĩ không chỉ định dùng kháng sinh cho trẻ khi bị sốt. Thế nhưng điều này hoàn toàn không chính xác. Bác sĩ phải tìm hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh mới chỉ định thuốc phù hợp nhất cho trẻ. Nếu nhiễm siêu vi, bác sĩ sẽ không sử dụng kháng sinh. Nhưng nếu trẻ sốt do viêm phổi, viêm amidan, viêm hô hấp trên, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn thì phải dùng đến kháng sinh. Vì nếu không, tình trạng bệnh của trẻ sẽ không tiến triển tốt.
Sốt cao co giật có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ không? Nếu được xử lý đúng cách và kịp thời, trẻ hoàn toàn có thể hồi phục bình thường và tránh các rủi ro di chứng về sau. Tuy nhiên, các hướng dẫn trên chỉ là tạm thời và không đảm bảo dứt điểm các triệu chứng do sốt gây ra, do đó bố mẹ vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi và có cách điều trị phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/xu-tri-nhu-nao-khi-be-sot-cao-co-giat-/