Hiện tượng sốt cao co giật thường xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi (tuy không phải trẻ nào dưới 6 tuổi cũng bị sốt cao co giật) do não bộ của trẻ chưa phát triển một cách toàn diện và đặc biệt nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ trong cơ thể. Do đó, trẻ sốt cao từ trên 39 độ có thể bị kích thích não bộ và gây ra hiện tượng co giật.
Co giật do sốt thường xảy ra khoảng từ 2 đến 5% ở trẻ em dưới 6 tuổi, hầu hết trong độ tuổi từ 6 đến 36 tháng, với nhiệt độ cơ thể lớn hơn 38°C. Ngoài ra, trẻ không có cơn co giật không do sốt trước đó và không tồn tại vấn đề về phát triển hoặc thần kinh.
Một số trẻ có cơ địa dễ co giật do sốt thì chỉ cần sốt 38°C đã có thể bị co giật, trong khi với trẻ không có cơ địa dễ co giật, trẻ sốt đến hơn 40°C vẫn không bị co giật.
Có 2 thể sốt co giật: Loại đơn giản và loại phức tạp. Hơn 90% trẻ co giật do sốt thuộc thể đơn giản. Co giật do sốt đơn giản kéo dài ít hơn 15 phút và không có tính chất khu trú (co giật toàn thân). Co giật do sốt phức tạp kéo dài liên tục lớn hơn hoặc bằng 15 phút, có các tính chất khu trú (co giật một vùng nào đó của cơ thể), hoặc có từ 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ.
Nguyên nhân trẻ bị sốt cao co giật vì não của trẻ chưa thực sự phát triển hoàn chỉnh và nhạy cảm với sự gia tăng nhiệt độ. Nhiệt độ tăng cao có thể kích thích não bộ và gây ra tình trạng co giật.
Các yếu tố di truyền (gen liên quan đến sốt cao co giật) dường như làm tăng khả năng bị co giật do sốt. Cụ thể những người trong gia đình có tiền sử co giật thì trẻ em sẽ có khả năng cao mắc phải tình trạng này.
Sốt cao gây co giật là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên người lớn cũng bị sốt cao co giật và mê sảng. Vậy nguyên nhân gây sốt cao co giật ở người lớn là gì? Về cơ bản sốt là một phản ứng bảo vệ, vì khi sốt làm tăng số lượng bạch cầu, tăng sinh kháng thể, tăng nội tiết tố có tác dụng chống viêm. Sốt còn có tác dụng làm ức chế sự sinh sản của một số virus như cúm, bại liệt, tăng khả năng phân hủy vi khuẩn…Nhưng nếu sốt cao kéo dài có thể làm rối loạn chuyển hóa các chất, dẫn đến rối loạn các chức phận cơ quan. Như bị rối loạn thần kinh với nhiệt độ rất cao làm mê sảng, co giật.
Ở nhà, nếu bệnh nhân co giật hay mê sảng do sốt cao thì người nhà phải ngăn cắn lưỡi bằng cây bút, cái thìa hay vật cứng nào đó, sau đó nhanh chóng cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ sốt co giật ảnh hưởng như thế nào? Dưới đây là một số ảnh hưởng có thể xảy ra:
– Tái phát sốt cao co giật
Tỷ lệ tái phát chung của cơn co giật do sốt là khoảng 35%. Nguy cơ tái phát cao hơn nếu trẻ xuất hiện cơn giật đầu tiên khi nhỏ hơn 1 tuổi hoặc có người thân trong gia đình có tiền sử sốt cao co giật.
Nguy cơ tiến triển thành rối loạn co giật không do sốt tính từ khi xuất hiện các cơn co giật đơn thuần là khoảng 2 đến 5%. Nguy cơ tăng đến 10% ở những trẻ có thêm các yếu tố nguy cơ như cơn co giật do sốt phức hợp, tiền sử gia đình bị co giật, chậm phát triển…
– Di chứng thần kinh
Sốt cao co giật thông thường không gây ảnh hưởng đến não, trừ khi đây là các biểu hiện cho các bệnh lý khác về não gây nên tình trạng này.
Khi thấy trẻ sốt cao co giật, bố mẹ cần bình tĩnh vì các cơn co giật không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng sốt cao co giật sẽ gây ra hiện tượng thiếu oxy não và những hệ quả liên quan của tình trạng này. Những cách sơ cứu trẻ bị co giật:
– Không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ vì có thể gây tổn thương đến cơ thể trẻ.
– Loại bỏ tất cả các vật cứng, sắc nhọn xung quanh
– Tuyệt đối không di chuyển trẻ, trừ khi đang ở vị trí nguy hiểm.
– Trẻ không thể nuốt lưỡi hay cắn lưỡi khi sốt cao co giật. Do đó, không cho tay hay vật cứng vào miệng trẻ
– Nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở
– Bế nghiêng hoặc cho trẻ nằm nghiên để làm cho các dịch ở mũi, ở họng chảy theo đường miệng ra ngoài, tránh tình trạng thiếu oxy hoặc dịch chảy ngược vào phổi, gây nguy hiểm…
Sau cơn co giật, bố mẹ nên kiểm tra để chắc chắn trẻ đã tỉnh táo và nên trấn an tinh thần cho trẻ bớt sợ. Bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm dễ tiêu như cháo, súp. Ghi nhận thời gian gian co giật và tình trạng co giật để cung cấp thông tin cho bác sỹ.
Bố mẹ của trẻ bị sốt cao co giật nên theo dõi cẩn thận nhiệt độ của trẻ trong khi bị bệnh và sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ nếu nhiệt độ lên cao trên 38.5 độ.
Không tự ý dùng thuốc chống co giật để ngăn ngừa cơn co giật do sốt tái phát nếu không được chỉ định của bác sỹ. Trong trường hợp co giật do sốt kéo dài, một số bác sĩ lâm sàng kê diazepam trực tràng để sử dụng tại nhà.
Trong trường hợp trẻ sốt cao co giật, bố mẹ cần bình tĩnh và xử lý tuần tự theo các bước đã được lưu ý. Đa phần các trường hợp sốt cao co giật là lành tính và không cần phải sử dụng thuốc.
Nguồn tham khảo:
https://benhvienthucuc.vn/cach-so-cuu-sot-cao-co-giat-o-tre-me-can-biet/
https://suckhoedoisong.vn/xu-tri-khi-tre-sot-cao-co-giat-n179810.html