Có rất nhiều trường hợp đã xét nghiệm âm tính trước đó nhưng khi lấy mẫu lần nữa thì lại cho ra kết quả dương tính, dù không có dấu hiệu của bệnh. Vậy tái dương tính do đâu và có phải người bệnh vẫn chưa khỏi hoàn toàn không? Dưới đây là câu trả lời.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, những người xét nghiệm được xem là tái dương tính tức là trong cơ thể họ chỉ còn các mảnh virus, không phải virus sống và hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm cho người không có virus.
Giáo sư cũng cho biết, phương pháp xét nghiệm sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 chính xác nhất hiện nay là RT-PCR, về cơ bản, tức là lấy đoạn mồi (primer) nhằm rà soát và phát hiện một đoạn gen đặc trưng của virus SARS-CoV-2 có trong mẫu, tức là tìm kiếm và phát hiện mã di truyền của virus, không phải là toàn bộ con virus. Muốn tìm kiếm toàn bộ phải thực hiện công đoạn giải trình tự gen.
COVID-19 – Bệnh hô hấp truyền nhiễm
Muốn biết trường hợp tái dương tính có lây lan không, thì cần phải đem mẫu đi phân lập, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên thực tế nghiên cứu cho thấy sau khi lấy mẫu bệnh phẩm của người tái dương tính nuôi cấy thì virus đều không phát triển, chỉ là virus chết.
Như vậy tái dương tính có triệu chứng không? Chính vì chỉ còn những mảnh xác virus, do đó người tái dương tính vẫn ăn ngủ, sinh hoạt bình thường và không có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào của COVID-19.
Những người từng nhiễm COVID-19 trước đó, sau khi tái dương tính vẫn không lây lan cho những người khác. Cụ thể, các bệnh nhân F0 sau khi cách ly đủ thời gian đã tiếp xúc những người khác trong gia đình, và các F1, F2 này khi xét nghiệm vẫn âm tính.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, vì đây là loại virus mới xuất hiện 2 năm trở lại đây, vẫn cần thời gian để nghiên cứu về sinh bệnh học và nghiên cứu khác nhằm tìm ra cơ chế đáp ứng miễn dịch của loại virus này. Mọi người cũng không nên quá lo lắng với những trường hợp tái dương tính, vì thực chất không hề có khả năng lây nhiễm.
Vì vậy, với những f0 đã khỏi hoàn toàn và nếu xét nghiệm tái dương tính nhưng không có triệu chứng gì, không cần phải cách ly thêm nhưng cũng không nên chủ quan và cũng cần phải theo dõi, xét nghiệm lại khi cần thiết.
Vì sao có nhiều người đã khỏi nhưng vẫn xét nghiệm tái dương tính? Đa phần rơi vào các trường hợp như sau:
Tuy đã hồi phục hoàn toàn, nhưng khi tiến hành làm xét nghiệm Realtime RT-PCR và tại thời điểm đó, cơ thể của bệnh nhân đang trong giai đoạn đào thải virus corona ra ngoài nên vẫn còn xác virus hay virus bất hoạt còn sót lại trong mẫu bệnh phẩm lúc xét nghiệm. Chính vì thế kết quả dẫn đến dương tính.
Một số trường hợp khác sau khi khỏi bệnh vẫn chưa tạo ra kháng thể chống lại virus corona hoặc số lượng kháng thể không đủ lớn nên không thể kiểm soát được hoạt động của virus corona và trở thành người lành mang trùng cho kết quả dương tính khi làm xét nghiệm Realtime-PCR.
Vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả
Có thể trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn, đồng nghĩa với việc mầm bệnh vẫn còn trong cơ thể, nhưng khi xét nghiệm ngẫu nhiên thì lấy trúng mẫu bệnh phẩm không có virus. Thế nhưng khi xét nghiệm lại lần nữa, phát hiện virus vẫn còn nên gọi là trường hợp tái dương tính.
Tái dương tính rất có thể là dương tính giả, trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm hoặc nhân viên y tế làm PCR thao tác không đúng kỹ thuật khiến nhiễm chéo bệnh phẩm, làm cho kết quả xét nghiệm bị sai lệch. Để chắc chắn, bệnh nhân có thể thực hiện lại xét nghiệm Realtime-PCR một lần nữa.
Qua thông tin trên, chúng ta đã tìm được câu trả lời cho vấn đề nhiều người thắc mắc là F0 tái dương tính có khả năng lây nhiễm không. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, dù đã khỏi hoàn toàn COVID-19 vẫn không nên chủ quan vì rất có thể tái nhiễm lại lần 2. Do đó, mỗi người trong cộng đồng vẫn thường xuyên nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài nơi đông người, giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống khoa học và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, rửa tay sạch thường xuyên….
(Nguồn: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dich-2019-ncov/thong-tin-suc-khoe/vi-sao-xet-nghiem-tai-duong-tinh-o-benh-nhan-sars-cov-2/)