Với trẻ sơ sinh, việc đi vệ sinh như thế nào phản ánh tình trạng sức khỏe của bé hiện tại. Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, tức là hệ tiêu hóa của bé đang gặp vấn đề. Mẹ nên làm gì lúc này? Cùng tìm hiểu các dấu hiệu táo bón ở trẻ và cách khắc phục hiệu quả nhé!
Đi ngoài ra phân cứng
Hình thái của phân sau khi trẻ đi ngoài sẽ cho bố mẹ biết trẻ sơ sinh bị táo bón hay không. Khi trẻ bị táo bón, phân thường cứng, khô, vón cục, rời rạc giống như phân dê, mùi khá khó chịu.
Trong một số trường hợp, khi lượng phân bị dồn ứ quá lâu, sau mỗi lần đi tiêu bố mẹ có thể thấy mặt ngoài của phân dính ít máu do hậu môn bị rách hoặc nứt kẽ. Tuy nhiên, khi trẻ đi ngoài phân có màu đen, sẫm và có lẫn máu bên trong thì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác.
Số lần đi ngoài giảm
Với trẻ sơ sinh thì tần suất đi ngoài khoảng 4 lần/ngày. Với những trẻ uống sữa công thức sẽ đi ngoài nhiều hơn so với trẻ uống sữa mẹ. Vì vậy, khi thấy bé khoảng 2-3 ngày mới đi ngoài 1 lần thì có khả năng cao bé bị táo bón. Lưu ý, việc giãn ruột sinh lý cũng khiến tần suất đi ngoài giảm (giai đoạn này hay xuất hiện ở trẻ từ 1-4 tháng tuổi).
Trẻ bị táo bón thường khó chịu mỗi khi đi ngoài
Bé khó chịu khi đi ngoài
Trẻ bị táo bón thường gặp khó khăn mỗi khi đi ngoài. Cơ bụng của trẻ còn yếu nên khi đó trẻ phải cố gắng đẩy phân ra ngoài, dùng sức rặn nhiều khiến mặt đỏ ửng, nhăn nhó, hay gồng mình và siết chặt mông khi mỗi lần đại tiện. Làm như vậy nhiều lần sẽ gây tổn thương hậu môn và khiến bé cảm thấy căng thẳng khi đi ngoài.
Căng trướng bụng, đầy hơi
Lượng thức ăn trong dạ dày cùng với phân trong ruột chưa được giải phóng khiến bụng bé căng hơn một chút và kèm theo xì hơi nặng mùi. Nếu xuất hiện dấu hiệu này đi kèm với đi ngoài phân vón cục, số lần đi ngoài ít… chứng tỏ bé nhà bạn đang bị táo bón.
Để tình trạng táo bón ở trẻ không xảy ra nữa, có rất nhiều cách đơn giản để hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động bình thường sau đây.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng gần như duy nhất. Các dưỡng chất có trong sữa mẹ phụ thuộc vào những gì mẹ hấp thu vào thời điểm đó. Để con không bị táo bón, mẹ hãy điều chỉnh chế độ ăn uống của bản thân sao cho hợp lý và đầy đủ, đặc biệt là bổ sung chất xơ.
Với trẻ bắt đầu ăn dặm thì mẹ có thể bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu chất xơ để giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó cho trẻ uống nhiều nước để dễ tiêu, giảm táo bón.
Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị táo bón
Ngâm hậu môn trong nước ấm
Ngoài việc đổi chế độ ăn uống, khi trẻ bị táo bón mẹ có thể ngâm hậu môn của trẻ với nước ấm sẽ có hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt là với những trẻ quấy khóc và lười ăn do táo bón.
Cách thực hiện đó là ngâm hậu môn của bé với nước ấm khoảng 5 – 10 phút mỗi lần và 1 – 2 lần mỗi ngày. Việc này giúp trẻ sơ sinh đi ngoài dễ dàng hơn vì nước ấm có thể kích thích cơ vòng hậu môn.
Massage bụng nhẹ nhàng
Đây cũng được xem là biện pháp hiệu quả trị táo bón cho trẻ sơ sinh hữu dụng. Mẹ sử dụng 3 ngón tay giữa để không tạo áp lực mạnh lên bụng con, chụm 3 ngón tay này lại và đặt lên vùng bụng khu vực xung quanh rốn của bé. Sau đó sử dụng lực ấn vừa phải kết hợp chuyển động tròn xung quanh rốn. Mỗi lần như vậy thực hiện trong khoảng 3 phút.
Massage giúp giải quyết tình trạng chướng bụng, khó tiêu một cách hiệu quả vì thúc đẩy phần thức ăn đã được tiêu hóa dễ dàng xuống dưới hậu môn sau đó đào thải ra ngoài.
Trẻ sơ sinh bị táo bón có thể do chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý. Việc ăn uống rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ những năm tháng đầu đời, do đó bố mẹ cũng không nên chủ quan khi thấy trẻ bị táo bón. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đã giúp bạn nhận biết và chữa táo bón cho con hiệu quả.
Nguồn tham khảo: https://medlatec.vn/tin-tuc/mot-vai-meo-bo-tui-cho-me-khi-tre-so-sinh-bi-tao-bon-s75-n18585