Cẩm Nang | Bí quyết giữ sức khỏe khi đi du lịch bạn nên biết

Bí quyết giữ sức khỏe khi đi du lịch bạn nên biết

Để cân bằng lại cuộc sống, giải tỏa căng thẳng, áp lực hay thỏa mãn sở thích khám phá đó đây, du lịch là cách được nhiều người lựa chọn. Tuy vậy, không phải ai cũng biết những bí quyết giữ sức khỏe khi du lịch để tận hưởng được trọn vẹn chuyến đi, hạn chế các rủi ro xuống thấp nhất có thể. Bài viết sau đây của Hapacol sẽ mách bạn những bí kíp để chuẩn bị sức khỏe toàn diện cả trước, trong và sau chuyến đi.

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đi du lịch

1. Những lưu ý về sức khỏe trước chuyến đi

Trước khi bắt đầu những chuyến du lịch, dù ngắn ngày hay dài ngày, trong nước hay ngoài nước thì bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe để tận hưởng được trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.

Do đó, những điều bạn nên làm trước khi đóng gói hành lý và ra sân bay bao gồm:

Tìm hiểu về tình hình dịch bệnh ở điểm du lịch sắp đến

Chắc chắn bạn không muốn sau chuyến đi chơi mà phải vào ngay bệnh viện để thăm khám, điều trị những vấn đề sức khỏe do bị lây truyền bệnh. Vì vậy, tìm hiểu các tin tức về tình hình y tế tại địa điểm sắp đến là vô cùng cần thiết.

Nếu du lịch trong nước, bạn có thể đọc hoặc nghe tin tức thời sự về những dịch bệnh trên báo, đài, tivi hay trên các website chính thức của Bộ Y tế, trạm y tế dự phòng tại các địa phương đó.

Một số khu vực bùng phát dịch cần được kiểm soát chặt chẽ để bệnh không lan truyền rộng hơn nên tốt nhất, bạn hãy đổi điểm đến hoặc tạm hoãn lại chuyến đi để bảo vệ sức khỏe.

Khi du lịch nước ngoài, bạn nên tìm kiếm thông tin liên quan đến y tế hiện tại của quốc gia sắp đến thông qua các website như Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hãy tra cứu các dịch bệnh mới xuất hiện gần đây cũng như những yêu cầu về tiêm chủng nếu bạn cần đến đó.

Ngoài ra, việc nghiên cứu trước các vấn đề liên quan đến điểm đến cũng giúp bạn chuẩn bị hành lý tốt hơn.

Ví dụ như bạn sắp đi Úc vào thời điểm mùa hè ở Việt Nam nhưng thời tiết bên đó lại đang lạnh, nếu chủ quan bạn có thể dễ bị cảm lạnh khi không chuẩn bị đồ giữ ấm.

Kiểm tra lại sức khỏe cá nhân

Để đảm bảo tình trạng thể chất lẫn tinh thần tốt nhất cho chuyến đi, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như tiêm phòng đầy đủ.

Một số bệnh như sốt rét sẽ cần uống thuốc phòng ngừa bệnh trước, trong cả sau chuyến đi hay có những vắc-xin cần tiêm phòng trước vài tháng để có tác dụng.

Trường hợp bạn mắc phải những bệnh lý mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn, động kinh, viêm khớp… thì nên tái khám trước chuyến đi.

Khi đó, bạn nhớ hỏi bác sĩ về những việc cần làm cũng như những việc cần tránh khi đi du lịch để không ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Ví dụ như người bị huyết áp thấp không nên xách đồ quá nặng khi đi chơi, không đứng lâu một chỗ và nếu cảm thấy chóng mặt thì tìm chỗ ngồi nghỉ ngơi, hít thở sâu.

Khi đi từ ngoài về phòng không nên tắm ngay mà nên đợi sức khỏe hồi phục mới tắm và tắm nước ấm thật nhanh, lau người thật khô để tránh nhiễm lạnh.

Người có bệnh tim thì không nên đi những khu vực có núi đồi, những nơi có độ cao vì nồng độ oxy thấp có thể gây khó thở, đau thắt ngực.

Bạn cũng cần hỏi kỹ bác sĩ về những thực phẩm và không nên ăn để tránh bị ngộ độc hoặc làm cho các triệu chứng bệnh nặng thêm.

Điều quan trọng nhất là nhờ bác sĩ kê đơn thuốc đủ dùng hoặc dư ra vài liều cho chuyến đi vì bạn có thể gặp khó khăn trong việc tìm mua thuốc điều trị ở một nơi mới đến. 

Thời gian dùng thuốc cũng cần được quan tâm. Một số thuốc nên uống vào một giờ nhất định và khi bạn di chuyển đến quốc gia khác, chênh lệch múi giờ có thể khiến bạn bối rối nên hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm uống thuốc hợp lý.

Chuẩn bị các loại thuốc cần thiết

Ngoài những thuốc theo đơn dùng để điều trị tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn thì một số thuốc không kê đơn cần thiết khác cũng cần được chuẩn bị đầy đủ, bao gồm:

  • Thuốc chống say tàu xe
  • Thuốc cầm tiêu chảy
  • Thuốc kháng histamin (chống dị ứng)
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol
  • Thuốc mỡ hay kem bôi ngoài da trị côn trùng/muỗi đốt
  • Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi
  • Kem chống nắng
  • Các vật dụng sơ cứu cơ bản như băng keo cá nhân, bông gạc, kéo…

Song song đó, bạn cũng cần mang theo đầy đủ đơn thuốc và sao lưu chúng ra nhiều bản để tránh trường hợp bị thất lạc hành lý làm mất các thuốc mang theo.

Nếu bạn đang sử dụng các thiết bị y tế hỗ trợ như máy tạo nhịp tim, hãy mang theo giấy chứng nhận của bác sĩ để có thể trình bày với nhân viên an ninh tại sân bay.

Bảo hiểm du lịch và những vật dụng khác

Bảo hiểm du lịch gần như là yếu tố bắt buộc khi bạn muốn đi du lịch nước ngoài. Việc lựa chọn bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và mức bồi thường mà bạn muốn được hưởng sau khi có sự cố xảy ra theo quy định.

Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, vật dụng cá nhân và vài món ăn được phép vận chuyển trên máy bay, phòng trường hợp chưa tìm thấy đồ ăn hợp khẩu vị.

2. Những lưu ý về sức khỏe trong chuyến đi

Trong chuyến đi, bạn cũng cần lưu ý đến những vấn đề có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Một vấn đề thường gặp nhất khi đi du lịch chính là ngộ độc thực phẩm dẫn đến đau bụng, tiêu chảy gây ra nhiều bất tiện.

Lưu ý khi ăn uống

ăn uống kỹ lưỡng khi đi du lịch

Một bí quyết giữ sức khỏe khi du lịch đó là hãy nếm thử ít một những món ăn hay thức uống “độc lạ” của những người dân địa phương mà trước đây bạn chưa bao giờ nhìn thấy hay thử qua.

Nếu như hợp khẩu vị, bạn cũng không nên ăn quá nhiều vì thực phẩm lạ có thể khiến đường ruột bạn chưa kịp “thích nghi” khiến đầy bụng, khó tiêu hoặc phản ứng lại bằng tăng nhu động để đào thải chúng ra ngoài.

Đừng quên bổ sung đủ nước cho cơ thể nữa nhé. Mỗi ngày, bạn nên cung cấp đủ từ 1-1,5 lít nước cho trẻ em và 2-2,5 lít nước đối với người lớn. Thiếu nước có thể khiến cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chuyến đi.

Bạn nên chuẩn bị các sản phẩm men vi sinh để hỗ trợ rối loạn tiêu hóa khi chẳng may thấy bụng dạ không ổn sau khi thưởng thức ẩm thực địa phương.

Những sản phẩm này cung cấp thêm lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tăng sức đề kháng.

Nghỉ ngơi điều độ

Việc di chuyển giữa các nơi khác nhau về múi giờ có thể dẫn đến hội chứng jet lag. Hội chứng này là tạm thời nhưng có thể làm giảm đáng kể đi sự thoải mái trong chuyến đi du lịch của bạn. Tình trạng này sẽ giảm bớt khi nhịp sinh học của cơ thể thích nghi với thời gian nơi đó, điều bạn cần làm lúc này là dành thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Với những chuyến đi tham quan dài ngày, bạn nên có chế độ ngủ nghỉ hợp lý. Không nên tham gia vào những cuộc vui tưng bừng đến gần sáng, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Đặc biệt khi bạn bị say máy bay hay tàu xe khi di chuyển, bạn càng cần có thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe trước khi tận hưởng chuyến du lịch.

Tìm hiểu các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện gần đó

Nếu bạn hay người đồng hành có những vấn đề sức khỏe mạn tính, hãy nhớ hỏi thăm những nhà thuốc, phòng khám hay bệnh viện gần nơi ở để đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra.

3. Những lưu ý về sức khỏe sau chuyến đi

Sau khi kết thúc chuyến đi, bạn nên tiến hành kiểm tra sức khỏe lại lần nữa, nhất là khi có những tình trạng bệnh mạn tính hoặc ở vùng vừa có dịch bệnh. Việc đánh giá lại sức khỏe giúp bảo vệ sức khỏe của bạn toàn diện hơn.

Trường hợp bạn bị cảm cúm, sốt hay tiêu chảy nặng sau khi đi du lịch thì hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Những triệu chứng bất thường có khi liên quan đến một bệnh lý nào đó lây nhiễm trong chuyến đi.

Hy vọng những bí quyết giữ sức khỏe khi du lịch trên đây sẽ giúp bạn biết cách tự bảo vệ mình cũng như người thân, bạn đồng hành trong toàn bộ chuyến đi.


Xem thêm bài viết:

10 vật dụng cần chuẩn bị khi đi du lịch để có chuyến đi trọn vẹn

Tủ thuốc gia đình cần có gì để bảo vệ sức khỏe?

10 bí quyết chăm sóc sức khỏe gia đình bạn nên biết

Các bài viết khác

Những lý do gây đau đầu nhức mắt thường gặp

Đau đầu là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ khu vực nào trên đầu. Một số...

8 loại thuốc nhất định nên mang theo khi đi du lịch

Chuẩn bị thuốc mang theo khi đi du lịch và các vật dụng sơ cứu cá nhân là điều vô cùng quan...

Triệu chứng đau đầu liên quan đến những bệnh lý nào?

Nhức đầu có thể xảy ra và biến mất nhanh chóng mà theo các chuyên gia Hapacol nhận định không cần đến...

Đau cơ mông trong thai kỳ: Thông tin cần biết và cách điều trị

Đối với phụ nữ mang thai, tình trạng đau lưng hoặc đau bụng rất quen thuộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng...

Những cách giúp giảm đau nhức do cảm lạnh

Đau nhức do cảm lạnh là một tình trạng rất phổ biến mà bất cứ ai cũng từng trải qua. Nó khiến...

Đau họng kéo dài là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Thông thường, đau họng có thể biến mất trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu cơn đau họng kéo dài quá 10 ngày, bạn có thể...