Khi thấy triệu chứng mọc răng ở trẻ, sự chuẩn bị của bố mẹ lúc này là vô cùng cần thiết để giúp con được thoải mái hơn. Vậy nên làm thế nào để chăm sóc bé? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Một trong những dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh đặc trưng nhất đó là bé chảy dãi (nước bọt) nhiều. Nguyên nhân là khi mọc răng, dây thần kinh thứ 5 bị kích thích làm nước dãi tiết ra nhiều hơn trong miệng. Trẻ nhỏ vẫn chưa biết tự nuốt nước bọt nên bố mẹ sẽ thấy bé chảy dãi ra ngoài nhiều. Hiện tượng này xuất hiện khi bé mới mọc những chiếc răng đầu tiên và sẽ giảm dần khi bé lớn hơn.
Do nước dãi chảy nhiều quanh miệng, nếu không được lau chùi, vệ sinh thì vùng da quanh cằm và miệng dễ bị nổi mẩn đỏ. Bố mẹ chú ý điều này nhé!
Hiện tượng mọc răng ở trẻ sơ sinh làm vùng nướu nứt ra, sưng tấy khiến trẻ ngứa ngáy. Bé sẽ làm mọi cách để giảm cơn ngứa bằng cách gặm cắn bất cứ thứ gì. Để trẻ không bị nhiễm khuẩn từ đồ vật, bố mẹ nên mua riêng cho con đồ chuyên gặm nướu cho trẻ.
Mọc răng làm vùng nướu bị thương tổn, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó sẽ có tình trạng sốt mọc răng ở trẻ. Tuy nhiên thường là những cơn sốt nhẹ, mẹ có thể tiến hành chườm ấm, tăng cữ bú, cho bé mặc quần áo mỏng để hạ thân nhiệt nhanh hơn. Tuy nhiên bạn cũng không nên chủ quan, nếu thấy trẻ sốt cao không hạ nên đưa bé đi khám nhé!
Tuy nhiên có một số cách để trẻ mọc răng không bị sốt. Hãy cùng tìm hiểu điều này qua bài viết: Làm Sao Để Trẻ Mọc Răng Không Bị Sốt?
Chính vì cảm giác đau nhức trong miệng nên bé khó chịu, có thể dẫn đến bú kém, hay bỏ bú, bỏ ăn (với trẻ đang tập ăn dặm). Tuy nhiên nếu thấy bé mọc răng biếng ăn kéo dài nên đưa bé đi khám ngay.
Đặc điểm này không phải trẻ nào cũng có, nhưng với không ít bé, mọc răng khiến bé ngứa ngáy khó chịu nên quấy khóc nhiều hơn bình thường.
Một số đặc điểm khác: bé ngủ hay giật mình, ngủ không sâu giấc… Để kiểm tra xem có phải bé đang mọc răng hay không, tốt nhất mẹ nên quan sát trực tiếp các vùng nướu của bé có dấu hiệu sưng tấy hay răng nhú lên hay không.
Khi có dấu hiệu trẻ mọc răng sữa, để bé cảm thấy dễ chịu hơn và không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của bé, mẹ nên tham khảo một vài lời khuyên dưới đây nhé!
Trẻ hay nhai cắn khi mọc răng, đây là hành vi có lợi cho răng miệng bởi vì gây áp lực lên nướu giúp giảm đau khi răng nhú lên. Lúc này mẹ không nên cho trẻ cầm những món đồ chơi cứng và có góc cạnh dễ làm tổn thương cho bé, hãy nhanh chóng thay bằng các món đồ chơi làm bằng cao su dành riêng cho bé mọc răng.
Ngoài ra mẹ có thể dùng bàn chải đánh răng mềm và ướt (không cần dùng kem đánh răng), chà nhẹ vào vùng nướu đang nhú răng để xoa dịu cơn khó chịu cho bé.
Nướu bị viêm của bé có thể dịu lại nếu áp dụng cách chườm lạnh. Mẹ có thể mang đồ chơi cao su cho bé bỏ vào tủ lạnh, khi bé nhai làm tê nướu và cơn đau giảm đi hiệu quả. Nên nhớ không để trong ngăn đá mẹ nhé!
Khi bé trên 6 tháng tuổi, có thể uống nước được thì mẹ nên cho cốc nước vào ngăn mát để làm lạnh, sau đó cho bé uống (không bỏ thêm đá) để làm dịu cơn đau.
Mẹ có thể cho bé ăn thêm sữa chua hoặc sinh tố làm lạnh, tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp này vì có thể phá hủy men răng của bé.
Bạn có thể dùng đến thuốc giảm đau mọc răng cho bé, nhưng trước tiên cần hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ nên dùng khi trẻ không ngủ được và thức đêm nhiều ngày liền. Sử dụng acetaminophen cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên hoặc ibuprofen cho trẻ trên 6 tháng để giảm đau cho bé.
Trẻ sơ sinh mấy tháng mọc răng? Khi bé bắt đầu vào tháng tuổi thứ 4, bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên và có không ít trẻ mất ngủ vì mọc răng mang lại. Khi bé ngủ giật mình giữa đêm, bạn hãy để bé tự ổn định lại trong vài phút và chìm vào giấc ngủ.
Nếu bé khó ngủ, bố mẹ nên vỗ về nhẹ nhàng ru bé. Trong trường hợp trẻ bị gián đoạn giấc ngủ liên tục, bạn có thể áp dụng cách cho bé uống thuốc giảm đau như đã liệt kê ở trên. Ngoài ra cũng nên hạn chế không cho bé bú quá no trước giờ đi ngủ vì sẽ làm bé khó chịu và dễ bị giật mình khi ngủ.
Trên đây là những thông tin dành cho bố mẹ tham khảo về hiện tượng trẻ mọc răng. Hy vọng bài viết này đã tiếp thêm kiến thức để bạn chăm sóc con một cách tốt hơn.
Nguồn tham khảo:
https://hongngochospital.vn/be-may-thang-moc-rang-dau-hieu-be-moc-rang/