Tái dương tính và tái nhiễm – đây là hai khái niệm dễ nhầm lẫn, vì ý nghĩa của 2 hiện tượng này hoàn toàn khác nhau. Vậy sự khác biệt ở đây là gì, và chúng ta nên làm thế nào nếu mắc phải?
Tái dương tính COVID-19 là khi người bệnh có xét nghiệm âm tính – dương tính nhiều lần xen kẽ trong vòng 90 ngày từ thời điểm bị bệnh. Bệnh nhân sau quá trình điều trị, khi làm xét nghiệm cho ra kết quả âm tính, thế nhưng sau vài tuần xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính, nhưng trong khi đó không hề có triệu chứng nào của bệnh.
Nguyên nhân thường gặp đó là do xét nghiệm trước đó không đạt tiêu chuẩn hoặc virus vẫn còn trong cơ thể (thường là từ vài tuần cho đến vài tháng kể từ lúc khỏi bệnh hoàn toàn). Thực chất, trường hợp tái dương tính là xét nghiệm mẫu bệnh phẩm có chứa xác virus, không còn khả năng hoạt động và tự nhân lên, do đó không có khả năng lây nhiễm nào.
Vậy người f0 có bị tái dương tính không? Người F0 tái dương tính rất nhiều, với tỷ lệ lên đến 14%. Sau khi khỏi bệnh trong vòng 90 ngày, nếu có xét nghiệm lại rất dễ gặp trường hợp tái dương tính.
Trong khi đó, tái nhiễm COVID-19 tức là một người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó, xét nghiệm âm tính hoàn toàn nhưng một thời gian sau lại nhiễm COVID-19 lần nữa thông qua xét nghiệm.
Như vậy đã là F0 có bị tái nhiễm không? Điều này hoàn toàn có thể, vì virus SARS-CoV-2 có rất nhiều biến chủng, và mỗi biến chủng lại mang bộ gene khác nhau.
Nhìn chung, tái nhiễm có nhiều nguyên nhân, có thể là sau khi bệnh nhân khỏi hoàn toàn hoặc sau khi tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 nhưng lượng kháng thể không đủ mạnh, hoặc có bệnh nền, cơ địa yếu, không giữ khoảng cách nơi công cộng… thì sau khi tiếp xúc với nguồn lây cũng sẽ tái nhiễm.
Tỉ lệ tái nhiễm cao ở những đối tượng sau: ở những người cao tuổi, người bị bệnh nền như rối loạn hệ miễn dịch, ung thư, đái tháo đường, HIV… Những người đã bị COVID-19 nhưng chưa tiêm đủ 2 mũi cũng có nguy cơ cao tái nhiễm.
F0 tái dương tính tức là trong cơ thể vẫn còn xác virus, không có khả năng phát triển và lây nhiễm do đó trường hợp này không cần điều trị. Người bị tái dương tính sẽ không có dấu hiệu nào của bệnh, sau một thời gian, khi xét nghiệm lại sẽ ra kết quả âm tính. Lúc này do cơ thể đã đào thải hết virus hoàn toàn. Cho đến nay, cơ quan y tế vẫn chưa ghi nhận báo cáo nào liên quan đến trường hợp tái dương tính lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại nước khác, ví dụ như Trung Quốc, các nghiên cứu được thực hiện ở các ca tái dương tính cho thấy trong cơ thể họ có tải lượng virus rất thấp, khó có thể phân lập được khi mang đi nuôi cấy, nên không có khả năng làm lây nhiễm chéo. Thế nhưng các nghiên cứu này cũng chỉ ra cần có sự giám sát thường xuyên về tải lượng virus và nồng độ kháng từ đó mới có căn cứ lên kế hoạch đối phó dịch bệnh.
Những trường hợp F0 tái nhiễm COVID-19 theo nghiên cứu đều có lượng virus vẫn còn trong cơ thể, có khả năng sinh sôi và gây bệnh, do đó vẫn có khả năng lây nhiễm. Các ca tái nhiễm vẫn phải thực hiện cách ly và điều trị theo quy định.
Tỉ lệ tái nhiễm dù thấp hơn tái dương tính nhưng chính vì các biến chủng xuất hiện nhiều hơn, lây lan nhanh hơn làm cho tỉ lệ này cũng tăng theo thời gian.
Trên thục tế, những ca tái nhiễm có tỉ lệ trở nặng là rất thấp và hầu như rất hiếm trường hợp dẫn đến tử vong. Đa phần các ca tái nhiễm đều không có triệu chứng lâm sàng, tải lượng virus trong cơ thể thường thấp hơn so với lần nhiễm đầu tiên. Các triệu chứng của F0 tái nhiễm rất nhẹ và nhanh hết, nhiều lúc bệnh nhân không cảm nhận được dấu hiệu của bệnh. Cần lưu ý 1 điều là tùy theo cơ địa và khả năng miễn dịch của mỗi người mà các triệu chứng có nhiều và rõ hay không. Người có hệ miễn dịch tốt sẽ có rất ít triệu chứng hoặc hầu như không có so với người có hệ miễn dịch kém.