Chế độ dinh dưỡng là điều kiện cần thiết trong thời gian điều trị F0 tại nhà. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi hơn, cũng như giảm khả năng tái nhiễm lần tiếp theo. Vậy F0 cần ăn uống như thế nào?
Cách chăm sóc F0 ở nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế đề xuất, nhằm hạn chế diễn biến nặng, người chăm sóc phải theo dõi người bệnh có nguy cơ thường xuyên cũng như cho người bệnh chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
Với những trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cũng cần có một chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm cải thiện và hỗ trợ hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể, tăng sức đề kháng.
Trong thời gian điều trị F0, người bệnh có thể bị mất vị giác hay khứu giác, khiến họ gặp khó trong ăn uống do đó rất cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tránh tình trạng thiếu hụt về dinh dưỡng.
Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân nào cũng có nhu cầu dinh dưỡng tăng cao do hệ miễn dịch bị tấn công, tiêu hao năng lượng nhiều. Như vậy nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ rất dễ dẫn đến hệ quả suy dinh dưỡng. Khi cơ thể không nhận đủ dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh lâu khỏi thậm chí trở nặng hơn, nhất là đối với các đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền, sức khỏe yếu…
Hệ miễn dịch một khi không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết sẽ ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Trong trường hợp thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian phục hồi của bệnh, tăng tỉ lệ biến chứng cũng như tỉ lệ tử vong.
Chế độ dinh dưỡng cho F0 kết hợp với phương pháp điều trị phù hợp sẽ ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng, giúp người bệnh nhanh khỏi từ đó giảm chi phí cho điều trị tại cơ sở y tế.
Ở nhà ăn uống bình thường, đầy đủ các bữa và quan trọng là cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng cách đa dạng các loại thực phẩm.
Nếu người bệnh mệt mỏi, sốt, ho có thể cho uống thêm sữa hay ăn các thực phẩm chế biến từ sữa bổ sung thêm bên cạnh các bữa ăn chính.
Tăng cường ăn nhóm thực phẩm giàu protein (như thịt, cá, đậu đỗ, hạt các loại) nhằm ngăn chặn tình trạng teo cơ cũng như tăng đề kháng cho cơ thể.
Thường xuyên ăn trái cây tươi hoặc uống nước ép trái cây, ăn thêm rau xanh các loại và gia vị mạnh (tỏi hay gừng) cũng rất tốt để tăng đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại virus.
Người mắc COVID-19 khi bị sốt, tăng thân nhiệt, mất nước do đó cần phải uống đủ lượng nước (tối thiểu 2 lít/ngày) và có thể uống thuốc hạ sốt đi kèm nếu sốt cao trên 38,5 độ C.
Dù là người bệnh hay người bình thường, trong mỗi bữa ăn hàng ngày cũng cần đảm bảo ăn uống đầy đủ theo tháp dinh dưỡng dựa trên quy tắc đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, sữa và chế phẩm từ sữa, dầu mỡ, rau củ, thịt cá, trứng, các loại hạt, rau củ màu vàng và màu xanh thẫm.
Trên đây là một số hướng dẫn cách chăm sóc F0 ở nhà. Hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã biết thêm các thông tin cần thiết về dinh dưỡng cho người mắc COVID-19.
(Nguồn: https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/f0-ieu-tri-tai-nha-nen-an-gi-e-mau-hoi-phuc-)