Viêm họng cấp ở trẻ em rất dễ xảy ra thời điểm giao mùa, nếu không chữa dứt điểm có thể tái phát trở thành mạn tính hay có nhiều biến chứng. Vậy nên làm gì để điều trị viêm họng cấp cho bé?
Viêm họng cấp ở trẻ thường kéo dài 3 – 4 ngày và có thể tự khỏi nếu trẻ có sức đề kháng tốt. Ngược lại, nếu sức đề kháng kém thì bệnh sẽ kéo dài thậm chí gây biến chứng các khu vực lân cận như viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản, viêm họng mạn tính.
Điều trị viêm họng cấp ở trẻ cần lưu ý những gì?
Cho bé uống thuốc theo như hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng đúng liều lượng.
Không cho trẻ uống thuốc kháng sinh hay dùng lại đơn thuốc cũ. Sử dụng nhiều kháng sinh sẽ không làm bệnh thuyên giảm mà còn gây hiện tượng nhờn thuốc, ảnh hưởng đến quá trình điều trị cho bé. Kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp trẻ bị nhiễm vi khuẩn, còn nếu viêm họng cấp do virus gây ra thì kháng sinh sẽ không có tác dụng.
Bố mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc làm ngưng sổ mũi. Cơ chế của loại thuốc này là làm khô đờm để ngắt cơn sổ mũi tức thời, tuy nhiên làm đờm khô đặc lại, vướng trong cổ họng khiến trẻ bị ho nhiều hơn.
Không nên lạm dụng thuốc co mạch cho bé.
Trẻ bị viêm họng cấp, nhất là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên dùng thuốc làm loãng đờm vì bé chưa biết cách ho khạc ra ngoài.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Nếu cần phải cho bé uống thuốc, bố mẹ nên tạo cho bé tâm lý thoải mái để trẻ dễ uống hơn. Có nhiều loại thuốc bào chế riêng cho trẻ với hương vị thơm ngon dễ uống.
Nên cho bé uống thuốc sau bữa ăn tầm 15-30 phút để tối ưu tác dụng. Không nên cho uống ngay sau khi ăn, vì trẻ có thể nôn ra vì thấy mùi thuốc đắng khó chịu, đồng thời nôn luôn phần thức ăn trước đó.
Những loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định dùng để điều trị viêm họng cấp ở trẻ em bao gồm:
Thuốc hạ sốt chứa paracetamol, chỉ nên dùng khi có triệu chứng sốt 38 độ ở trẻ em
Thuốc kháng sinh dùng trong trường hợp bệnh viêm họng cấp kéo dài và trở nặng, trẻ sốt cao, ho nhiều, ho có đờm màu xanh hoặc vàng.
Bé bị ho nhiều bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp điều trị ho từ thiên nhiên, không tác dụng phụ như cho bé dùng mật ong hấp quất (tắc), hoa hồng hấp đường phèn, gừng hoặc chanh muối…
Rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý khi bé chảy nước mũi, ho nhiều, ăn kém.
Một trong các triệu chứng phổ biến nhất của viêm họng cấp ở trẻ đó là sốt. Trẻ có thể sốt từ nhẹ đến cao. Sốt trên 39 độ rất dễ xảy ra tình trạng co giật và nếu không sơ cứu kịp thời có thể để lại biến chứng. Do đó bố mẹ nên biết cách hạ sốt cho trẻ đúng cách.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ viêm họng cấp
Khi dùng thuốc hạ sốt cho bé, mỗi lần dùng phải cách nhau 4-6 giờ, không được dùng quá 5 lần trong vòng 24 giờ. Căn cứ dùng thuốc theo hàm lượng 10 -15mg/kg cân nặng/lần uống. Sử dụng Hapacol 80mg dành cho trẻ nặng 5-8kg hoặc dưới 1 tuổi, Hapacol 150mg cho trẻ từ 10-15kg hoặc từ 1 -3 tuổi, Hapacol 250mg dành cho trẻ nặng 16-25 kg hoặc trẻ trong độ tuổi từ 4 – 6.
Tích cực lau người cho bé bằng nước ấm ở các khu vực nếp gấp như nách, bẹn, cổ.
Nhiệt độ phòng không quá nóng hay quá lạnh, lý tưởng nhất là 25 độ C.
Chú ý giữ ấm khu vực cổ, bàn chân, ngực của trẻ.
Khi bé bị sốt nên cho bé uống nhiều nước lọc, nước trái cây hoặc pha thêm dung dịch điện giải Oresol theo đúng liều lượng quy định.
Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi và thoải mái.
Trẻ bị viêm họng cấp nên cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt và không làm kích thích niêm mạc họng.
Tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách ăn uống đủ chất, thực đơn đa dạng và cho bé cảm giác ngon miệng.
Chia các bữa ăn nhỏ trong ngày, cho bé ăn theo nhu cầu và không ép bé ăn nhiều một lúc.
Không cho bé uống nhiều nước lạnh, ăn đồ cay nóng hay nhiều dầu mỡ.
Trên đây là những thông tin bố mẹ cần biết khi điều trị viêm họng cấp ở trẻ em. Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết cách chăm sóc để bé nhanh hồi phục và khỏe mạnh rồi nhé!
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/8-luu-y-khi-cham-soc-cho-tre-em-bi-viem-hong-cap-trong-thoi-tiet-giao-mua-16921101816480481.htm