Bản thân sốt xuất huyết đã vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Nếu người mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai thì không chỉ bản thân người mẹ bị nguy hiểm mà thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hãy cùng tìm hiểu những tác động của sốt xuất huyết đối với thai kỳ trong bài viết sau.
Thông thường, ở giai đoạn đầu, dấu hiệu sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống cảm cúm nên thai phụ cần quan sát thật kỹ:
– Sốt cao đột ngột có kèm theo run rẩy.
– Đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt.
– Ăn ít, không ngon miệng.
– Thường xuyên buồn nôn, nôn.
– Mất nước, tiểu ít.
– Khó thở.
– Xuất hiện các nốt đỏ trên da. Khi căng da thì các nốt đỏ không mất đi.
– Chảy máu chân răng.
– …
Khi bệnh chuyển biến nặng khiến cho số lượng tiểu cầu và huyết áp giảm xuống, bệnh nhân có thể bị chảy máu. Tình trạng này được gọi là sốt xuất huyết và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Khi mang bầu, hệ miễn dịch của người mẹ bị suy yếu. Điều này khiến cho virus gây ra sốt xuất huyết phát triển mạnh mẽ hơn so với người bình thường. Do đó, sốt xuất huyết trong quá trình mang thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, virus còn có thể truyền từ mẹ sang con, làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Sau đây là một số biến chứng phổ biến của sốt xuất huyết khi mang thai:
Giảm tiểu cầu: Giảm tiểu cầu là một trong những biến chứng hàng đầu của sốt xuất huyết. Biến chứng này đe dọa mạng sống của cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, giảm tiểu cầu còn làm gia tăng các biến chứng khi áp dụng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân trong quá trình sinh.
Sinh non, trẻ nhẹ cân: Trẻ rất dễ bị sinh non, nhẹ cân nếu người mẹ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 (từ tháng thứ 4 trở đi). Thậm chí, thai nhi còn có nguy cơ tử vong nếu tình trạng của người mẹ trở nặng.
Sảy thai: Khi bị sốt xuất huyết ở tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu), người mẹ rất dễ bị sảy thai trong giai đoạn này.
Xuất huyết: Sốt xuất huyết khi mang thai khiến người mẹ đối mặt với nguy cơ bị xuất huyết nặng hơn bình thường.
Tiền sản giật: Tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng này sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Theo đó, bị sốt xuất huyết khiến bị mẹ bầu đối mặt với nguy cơ tiền sản giật cao hơn.
Xem thêm: Uống thuốc hạ sốt nhiều có hại không?
Sốt xuất huyết nên làm gì? Khi phát hiện các dấu hiệu hoặc nghi ngờ bản thân bị sốt xuất huyết, sản phụ cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp chữa bệnh phù hợp. Đối với việc sử dụng thuốc hạ sốt, tốt nhất sản phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc và liệu lượng phù hợp.
Song song với quá trình điều trị, thai phụ cần lưu ý một số điều sau:
– Hạn chế tiếp xúc với nước lạnh và tránh đi ra ngoài gió.
– Chườm ấm, ủ ấm tay chân kỹ càng.
– Tích cực nghỉ ngơi và bồi bổ cơ thể.
– Uống nhiều nước, bổ sung thêm nước hoa quả như chanh, cam, bưởi, dưa hấu…
– Ăn lỏng để dễ tiêu hóa, ăn cháo hay súp rau củ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng sức khỏe và thai nhi.
– Nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ.
Không có vacxin phòng ngừa sốt xuất huyết. Vì thế, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và đề phòng bị muỗi đốt là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh:
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy:
– Đậy kín dụng cụ chứa nước
– Thả cá để ăn lăng quăng vào các nơi chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại,…)
– Thu gom, tiêu hủy vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh…
– Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến
– Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê tủ đựng chén bát, thường xuyên thay nước bình hoa
Phòng chống muỗi đốt bằng cách:
– Mặc quần áo dài tay
– Ngủ trong màn kể cả ban ngày
– Dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem đuổi muỗi…
– Mắc rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Sốt xuất huyết khi mang thai gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé. Vì thế, việc phòng tránh bệnh rất quan trọng. Tuy nhiên, trong trường hợp không may bị sốt xuất huyết, gia đình cần đưa sản phụ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm:
Làm gì khi bị sốt xuất huyết? Người bệnh nên ăn và kiêng gì?