Cẩm Nang | Cẩm nang | Điểm mặt 7 bệnh mùa mưa thường gặp nhất bạn nên lưu ý

Điểm mặt 7 bệnh mùa mưa thường gặp nhất bạn nên lưu ý

Sốt xuất huyết, cảm lạnh, bệnh về da, bệnh thương hàn… là các bệnh mùa mưa phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những căn bệnh xuất hiện trong mùa mưa và cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

1. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, ở những khu vực có nhiều ao nước đọng. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết tương tự như cúm, kéo dài khoảng 2 – 7 ngày với các biểu hiện như: Sốt cao lên đến 40.5 độ C, đau hốc mắt, đau cơ – khớp, nhức đầu, , buồn nôn, ói mửa, phát ban da, sưng hạch bạch huyết.

Cho đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bạn có thể bảo vệ bản thân mình bằng cách định kỳ vệ sinh những vật dụng chứa nước như lọ hoa, bể chứa để diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Ngoài ra, nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn, sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi…

2. Sốt rét

Sốt rét là một trong những căn bệnh mùa mưa thường gặp, do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác qua muỗi Anofen. Khi bị sốt rét, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao liên tục trong vài ngày, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, rét run toàn thân, nổi da gà…

Để phòng bệnh, bạn nên vệ sinh sạch sẽ xung quanh nhà ở, diệt muỗi, bọ gậy. Đồng thời, đóng kín cửa vào buổi chiều và tối để tránh muỗi bay vào. Ngoài ra, bạn nên sử dụng màn khi ngủ (kể cả ban ngày) để giảm nguy cơ bị muỗi đốt.

3. Cảm lạnh và cúm

Cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh về hô hấp phổ biến, nhất là trong thời tiết ẩm thấp, mưa gió. Cả 2 bệnh lý này đều gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Trong đó, cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi, họng, các xoang. Khi bị cảm lạnh, người bệnh thường sẽ bị ngạt mũi/sổ mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể nhức mỏi…

Đối với cảm cúm, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm họng, người ớn lạnh, ho khan, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược.

Cảm lạnh, cảm cúm là những bệnh mùa mưa gây ra nhiều khó chịu

Cảm lạnh, cảm cúm là những bệnh mùa mưa gây ra nhiều khó chịu

Để phòng bệnh cảm cúm và cảm lạnh, bạn nên nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều các loại rau củ và trái cây giàu vitamin C, tập luyện thể thao, uống đủ nước… Bên cạnh đó, bạn nên tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng ngừa bệnh cảm cúm hiệu quả nhất.

4. Các bệnh về da 

Hầu hết các bệnh về da đều xuất phát từ nguyên nhân cơ thể mất cân bằng năng lượng, chế độ sinh hoạt không lành mạnh, chế độ ăn uống không khoa học. Dưới đây là một số bệnh về da thường gặp: 

4.1. Nấm chân

Nấm chân xảy ra khi chân bạn đi qua giày hoặc chân ướt. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên sử dụng những loại giày dép thoáng khí, tránh đi giày ướt dễ gây nhiễm nấm, rửa chân thường xuyên, đặc biệt là đảm bảo chân khô ráo sau khi lội nước, vệ sinh giày cẩn thận.

4.2. Viêm nang lông

Nguồn nước bị ô nhiễm, vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, mưa ẩm làm cho vi khuẩn phát triển ở các nang lông tạo thành những mụn có kích thước nhỏ, gây ngứa, lở loét. Chính vì vậy, viêm nang lông cũng là một trong những bệnh mùa mưa mà bạn nên lưu ý. 

Khi bị viêm nang lông, bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp. Để bệnh không quay trở lại, bạn nên giữ cơ thể sạch sẽ, tránh mặt quần áo chật, cạo và tẩy lông cẩn thận và chỉ tắm ở những bồn hoặc bể nước nóng đảm bảo vệ sinh. 

Viêm nang lông là một trong những bệnh mùa mưa mà bạn nên lưu ý

Viêm nang lông là một trong những bệnh thường bùng phát vào mùa mưa

4.3. Viêm kẽ

Vi khuẩn Corynebacterium minutissimum là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm kẽ – một trong số những bệnh mùa mưa phổ biến. Viêm kẽ thường xuất hiện ở các vị trí như hai bẹn, cổ, nách với biểu hiện là những đốm da màu đỏ, có vảy mỏng, không ngứa nhưng có thể có cảm giác châm chích khó chịu. 

Để phòng tránh tình trạng này, nên giữ vệ sinh cơ thể. Hạn chế tiếp xúc với nguồn nước nhiễm khuẩn từ đường phố, cống rãnh… vì đây là những môi trường thuận lợi của vi khuẩn gây bệnh về da. Nếu phải làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nước, bạn nên sử dụng những dụng cụ an toàn lao động.

4.4. Ghẻ

Ghẻ dễ sinh sôi nảy nở trong mùa mưa bão, ẩm ướt. Nguyên nhân gây bệnh lo do ký sinh trùng Sarcoptes Scabies xâm nhập da; gây ra những mụn nước, rảnh ghẻ ở các kẽ ngón tay, cạp quần, vùng bụng, mông, bẹn, nách…

Bệnh ghẻ dễ lây lan nhưng bạn có thể phòng ngừa bằng cách chú ý vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng thường xuyên, không dùng chung quần áo và chăn màn, không ngủ chung với người bệnh. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người mắc bệnh, cần phải điều trị sớm để tránh lây lan.

5. Bệnh tiêu hóa

Trong những đợt mưa bão, môi trường nước bị ô nhiễm có thể gây bùng phát các bệnh về tiêu hóa. Nguyên nhân gây bệnh là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột do tiêu thụ thức ăn nhiễm khuẩn, ăn uống thiếu vệ sinh… Để phòng tránh, tốt nhất bạn nên thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi, ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. 

Nhiễm trùng đường tiêu hoá là một bệnh mùa mưa thường gặp

Nhiễm trùng đường tiêu hoá là một bệnh mùa mưa thường gặp do người bệnh sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hay thực phẩm nhiễm khuẩn

6. Bệnh thương hàn

Thương hàn là bệnh do vi khuẩn Salmonella gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Sốt thương hàn thường xuất phát từ nguyên nhân là ăn phải thức ăn và nước uống bị ô nhiễm. Khi mắc thương hàn, người bệnh thường sốt cao, nhức đầu, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. 

Ngày nay, cách phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả là nên chủ động tiêm phòng. Bên cạnh đó nên đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sinh hoạt như sử dụng nguồn nước sạch, ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài…

7. Bệnh đau xương khớp, đau cơ

Khi tiết trời trở lạnh, có thể làm cho những mạch máu ngoại vi suy giảm chức năng cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên (da, cơ, khớp), từ đó hình thành triệu chứng đau nhức xương khớp, vùng vai gáy, thắt lưng bị co cứng.

Lời khuyên tốt nhất để giúp ngăn ngừa bệnh đau xương khớp, đau cơ là bạn nên chủ động tập thể dụng thường xuyên. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, gồm những thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống nhiều nước để giúp duy trì hoạt động trơn tru giữa các khớp. 

Trên đây là một số căn bệnh mùa mưa phổ biến mà bạn nên lưu ý. Sốt xuất huyết, cảm lạnh, cảm cúm, thương hàn… những bệnh lý có thể xảy ra ở bất kỳ ai, vì vậy bạn nên chủ động nâng cao sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn uống khoa học để bảo vệ bản thân trước những mầm bệnh nguy hiểm. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nên thăm khám sớm để được điều trị ngay. Tránh tự ý chữa trị tại nhà vì có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn và lây lan ra cộng đồng. 

Các bài viết khác

Tiêm sởi có sốt không: Những điều cha mẹ cần biết

Tiêm phòng vắc-xin sởi cho bé là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, sau khi tiêm sởi có sốt không là...

Ho sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân do đâu?

Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh....

Nguyên nhân và cách chăm sóc khi trẻ sốt chân tay lạnh

Làm thế nào để giúp bé hạ sốt và cảm thấy dễ chịu hơn khi bị sốt cao nhưng chân tay lạnh....

Bị muỗi đốt có thể gây bệnh gì? Điểm mặt 10 bệnh nguy hiểm

Muỗi là một trong những loài động vật hút máu xuất hiện phổ biến ở nhiều quốc gia. Thế nhưng nếu bị...

Mẹ bầu bị sốt xuất huyết khi mang thai có sao không?

Bản thân sốt xuất huyết đã vô cùng nguy hiểm cho người bệnh. Nếu người mẹ bị sốt xuất huyết khi mang...

Phun thuốc diệt muỗi tại nhà và các lưu ý cần biết

Phun thuốc diệt muỗi được nhiều người đánh giá cao là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh dịch bệnh sốt...