Cẩm Nang | Trẻ bị quai bị, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trẻ bị quai bị, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh quai bị là một trong những loại bệnh thường được nhắc đến nhiều hiện nay. Mặc dù bệnh này thường có tính chất nhẹ nhàng, nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này. Sau đây chúng ta sẽ cùng Hapacol đi tìm hiểu về các dấu hiệu cơ bản khi trẻ bị quai bị.

 

1. Bệnh quai bị là bệnh gì?

Bệnh quai bị ở trẻ em, còn được gọi là viêm tuyến mang tai dịch tễ hoặc viêm tuyến mang tai do virus quai bị, là một bệnh do virus quai bị (Mumps virus) gây ra, gây sưng và đau tuyến nước bọt mang tai. Các tuyến này nằm ở hai bên mặt, giữa tai và hàm. Mặc dù bệnh quai bị ở trẻ em thường không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng hầu hết các trẻ khi mắc bệnh đều cảm thấy đau ở các vùng này.

Bệnh quai bị hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và thường chỉ xuất hiện ở trẻ từ 2 tuổi đến tuổi thanh thiếu niên, với khả năng mắc bệnh cao hơn ở nam giới so với nữ giới. Tần suất mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, đạt đỉnh cao ở độ tuổi từ 10 đến 19.

Thường thì khi trẻ bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus quai bị suốt đời. Do đó, phần lớn trẻ chỉ bị quai bị một lần trong đời và rất hiếm khi mắc bệnh này lần thứ hai.

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị là gì?

2. Nguyên nhân bị quai bị ở trẻ

Quai bị lây lan thông qua tiếp xúc với chất dịch từ miệng, mũi và họng của người bệnh khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, virus quai bị cũng có thể tồn tại trong môi trường ngoài cơ thể trong một thời gian dài: khoảng 30-60 ngày ở nhiệt độ 15-20 độ C và khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ -25 đến -70 độ C. Do đó, virus vẫn có thể tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ ăn uống, ly uống nước và đồ dùng cá nhân của người bệnh. 

Thời điểm mà virus quai bị dễ lây lan nhất cho người khác là khoảng 1-2 ngày trước khi tuyến nước bọt sưng, đau và kéo dài đến tận 6 ngày sau khi trẻ đã hết bệnh. Vì vậy, nếu có nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cách ly trẻ và bắt đầu thực hiện các biện pháp điều trị phòng ngừa. Ngược lại, bố mẹ cũng nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc người có nguy cơ mắc bệnh quai bị cao.

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị quai bị

Hầu hết các triệu chứng của bệnh quai bị ở trẻ em tương đồng với triệu chứng của cảm cúm thông thường. Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khoảng 2 tuần kể từ khi trẻ tiếp xúc với virus quai bị và bị nhiễm virus, bao gồm:

– Sốt nhẹ trong 1-2 ngày đầu, sau đó sốt cao trên 38 độ C trong 3-4 ngày.

– Mệt mỏi và khó chịu.

– Đau đầu.

– Nhức tai.

– Cảm giác ớn lạnh và sợ gió.

– Tiết nước bọt nhiều.

– Sưng và đau tuyến nước bọt ở vùng tai, đặc biệt khi trẻ bị kích thích vị giác.

– Sưng má, có thể là một bên hoặc cả hai bên.

– Đau họng và đau góc hàm, đau khi nhai, nói chuyện hoặc nuốt nước bọt.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị quai bị

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị quai bị

4. Phương pháp chẩn đoán bệnh quai bị

Bệnh quai bị ở trẻ em thường được chẩn đoán nhanh chóng thông qua việc thăm khám lâm sàng. Vì vậy, khi trẻ bắt đầu có các triệu chứng, mẹ nên ghi nhớ thông tin để cung cấp cho bác sĩ. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh của trẻ để hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán.

Hơn nữa, để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, trẻ có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch tiết từ mũi và cổ họng.

5. Cách điều trị quai bị

Hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc đặc trị cho bệnh quai bị. Do quai bị là một bệnh do virus gây ra, nên việc sử dụng thuốc kháng sinh không hiệu quả trong việc điều trị. Trong trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh quai bị, phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng hoặc có nghi ngờ về bệnh quai bị, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ và các chuyên gia có kinh nghiệm. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn về các phương pháp điều trị và chăm sóc trẻ phù hợp và hiệu quả.

Ngoài ra, khi trẻ bị sốt cao, có thể gây mất nước trong cơ thể, cha mẹ nên đảm bảo cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Ngoài ra, có thể cho trẻ uống thêm các loại nước chứa nhiều chất dinh dưỡng như sữa, nước ép trái cây, hoặc dung dịch bù điện giải oresol (nhưng cần lưu ý không sử dụng quá mức) để bù nước và cân bằng lượng điện giải đã mất trong cơ thể.

Khi mắc bệnh, trẻ cảm thấy đau khi nhai, nuốt, vì vậy, bố mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn ít phải nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp,… Bên cạnh đó, cần chú ý cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong các bữa ăn của trẻ, tránh để trẻ bỏ bữa và sử dụng các món ăn gây kích thích vị giác khiến trẻ tiết nước bọt nhiều hơn.

6. Những biến chứng của bệnh quai bị

Đa số trẻ mắc bệnh quai bị thường nhẹ và dễ điều trị, và trẻ thường hồi phục mà không gặp bất kỳ di chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi trẻ không được điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể lan sang các bộ phận khác trong cơ thể và gây viêm nhiễm. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng quai bị nguy hiểm như:

  • Mất thính giác, điếc: Rất ít trẻ gặp biến chứng này, chỉ có khoảng 1/200.000 trẻ bị bệnh.
  • Một số vấn đề liên quan đến não: viêm màng não, viêm não, dị tật tiểu não. Những biến chứng này rất hiếm gặp ở trẻ em.
  • Các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản: viêm tinh hoàn, viêm vú, viêm vòi trứng.
  • Viêm tụy.
  • Một số biến chứng khác: tổn thương gan, thận, cơ tim. Những biến chứng này rất hiếm gặp ở trẻ…

7. Phòng ngừa quai bị cho trẻ

Một trong các cách phòng ngừa bệnh quai bị là tiêm phòng vacxin MMR. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một loại vacxin kết hợp để phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella. Tuy nhiên vẫn chưa có vacxin riêng cho bệnh quai bị. Vì vậy, bộ Y tế khuyến cáo tiêm phòng hai liều vacxin MMR cho trẻ. Sau khi tiêm đủ hai liều vacxin MMR, trẻ sẽ có khả năng miễn dịch với virus quai bị lên đến 95%.

Không những vậy, virus quai bị còn có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong môi trường có nhiệt độ cao lên đến 56 độ C hoặc dưới tác động của ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại,….. Vì vậy, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan virus cho trẻ, cha mẹ nên:

– Khuyến khích trẻ rửa tay bằng xà phòng khử khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Thường xuyên dọn dẹp và khử khuẩn không gian sống và đồ chơi của trẻ.

– Hạn chế tiếp xúc trẻ với những người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh quai bị.

– Không cho trẻ sử dụng chung vật dụng cá nhân như cốc, chén, muỗng,… với người khác, vì virus có thể tồn tại trên những vật dụng này.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị quai bị

Nguyên nhân trẻ bị quai bị

8. Các câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số các băn khoăn thắc mắc về việc trẻ bị quai bị, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu nhé!

8.1. Bệnh quai bị có lây không

Như đã đề cập ở trên, bệnh quai bị ở trẻ em rất dễ lây lan, đặc biệt là trong những nơi đông đúc, có nhiều trẻ em như trường học, nhà giữ trẻ, công viên, khu vui chơi… Trẻ có thể bị nhiễm virus quai bị khi tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hoặc dịch tiết từ mũi, họng của người bệnh khi nói chuyện, ho, khạc nhổ, hắt hơi… hoặc khi chạm vào đồ dùng dính dịch tiết từ người bệnh. (1)

8.2. Trường hợp nào nên đưa trẻ đến bác sĩ

Hầu hết trẻ mắc bệnh quai bị sẽ hồi phục hoàn toàn thông qua chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ có các triệu chứng bất thường sau đây, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức: 

  1. Trẻ có sốt cao kéo dài hơn 3 ngày và không có dấu hiệu cải thiện sau khi đã uống thuốc hạ sốt.
  2. Tuyến nước bọt của trẻ sưng to, đau và kéo dài trên 7 ngày.
  3. Các triệu chứng của trẻ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  4. Trẻ có cơn co giật.

8.3. Nên làm gì khi trẻ bị quai bị 

Triệu chứng của bệnh quai bị có thể dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác. Điều trị và chăm sóc đúng cách và đúng bệnh sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh chóng. Vì vậy, việc quan trọng nhất là xác định chính xác liệu trẻ có mắc bệnh quai bị hay không. Để làm điều này, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán đúng bệnh.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi tìm hiểu về các nguyên nhân, biện pháp,… về việc trẻ bị quai bị. Mong rằng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích liên quan.

Các bài viết khác

Trẻ sơ sinh đi ị nhiều lần trong ngày phải làm sao?

Phải làm sao khi trẻ sơ sinh đi ị nhiều lần trong ngày? Câu hỏi này thường khiến các bậc phụ huynh...

TOP 4 thuốc điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em và lưu ý khi dùng 

Tình trạng bé bị tiêu chảy thường khiến bố mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên. Lúc này phương án dùng thuốc...

Viêm khớp dạng thấp: Điều trị thế nào cho hiệu quả

Viêm khớp dạng thấp là một trong những căn bệnh về xương khớp khiến nhiều người lo lắng. Trong bài viết hôm...

[Giải đáp] Trẻ sốt có nên nằm điều hòa không?

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể xem xét cho trẻ nằm trong phòng có điều hòa. Lý do là vì...

[Giải đáp] Người bị sốt cao nên chườm nóng hay lạnh?

Việc sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh là một phương pháp đơn giản để hỗ trợ trong việc điều trị các...

[Giải đáp] Trẻ bị viêm phổi có tự khỏi được không?

Viêm phổi là bệnh lý gây nhiễm trùng ở mô phổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp của người nhiễm bệnh....