Trẻ bị nghẹt mũi: 5 cách chữa nghẹt mũi cho trẻ hiệu quả
Trong hành trình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ thường gặp phải nhiều lo lắng và thách thức, trong đó, vấn đề trẻ bị nghẹt mũi là một trong những tình huống phổ biến nhất. Tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh không chỉ gây khó chịu cho bé mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Đối với trẻ sơ sinh, hệ thống miễn dịch còn non nớt, việc đảm bảo sức khỏe đường hô hấp là vô cùng quan trọng. Vậy, trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm sao, cha mẹ cần làm gì để giúp con mình thoát khỏi sự khó chịu này một cách an toàn và hiệu quả? Hãy cùng Hapacol tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Nguyên nhân khiến trẻ em bị nghẹt mũi
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột là lúc trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, nghẹt mũi. Nguyên nhân là do: (1)
- Không khí khô: Niêm mạc trẻ nhỏ rất nhạy cảm với không khí khô. Khi độ ẩm thấp, không khí sẽ trở nên khô hơn, từ đó làm khô chất tiết mũi của trẻ, khiến trẻ xuất hiện triệu chứng thở khò khè, khụt khịt.
- Chất gây dị ứng: Khói thuốc lá, khói hóa học, gió, bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi… cũng là những tác nhân khiến niêm mạc mũi của trẻ bị kích ứng, gây sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong…
- Cảm lạnh và cảm cúm: Trẻ em có sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc cảm lạnh hoặc cảm cúm. Khi mắc bệnh, bé có thể xuất hiện các triệu chứng như trẻ bị chảy nước mũi, ho, sốt, nhức mỏi toàn thân, đau họng…
- Amidan hoặc VA sưng to: Amidan và VA có chức năng nhận diện, bắt giữ vi khuẩn và virus xâm nhập qua mũi, cổ họng; từ đó sản sinh kháng thể tự nhiên để chống lại các vi khuẩn, virus có hại đó. Khi Amidan và VA sưng to hoặc bị viêm, khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể suy giảm và gây ra sổ mũi, nghẹt mũi, thở ồn ào ở trẻ em.
- Dị vật ở mũi: Dị vật ở mũi như hạt, đậu khô, nút áo, viên bi, sỏi, đồ chơi, bỏng ngô… không chỉ gây sổ mũi ở trẻ mà còn dẫn đến nhiều nguy hiểm khác nếu không được phát hiện và loại bỏ dị vật kịp thời.
Xem thêm: Cách xử lý trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi
2. 5 cách chữa nghẹt mũi cho trẻ tại nhà hiệu quả
Khi trẻ bị chảy nước mũi, bố mẹ cần can thiệp sớm ngay từ khi triệu chứng này xuất hiện để giảm bớt sự khó chịu cho trẻ. Không chỉ vậy, trị sổ mũi cho bé kịp thời và đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm xoang, viêm họng, viêm tắc vòi tai, viêm thanh – khí – phế quản. (1)
Trẻ bị chảy nước mũi có thể điều trị tại nhà thông qua các cách chữa trị như sau:
Nhỏ nước muối sinh lý
Để chữa sổ mũi cho trẻ và làm sạch chất nhầy bên trong mũi, bố mẹ có thể dùng nước nhỏ mũi cho bé như nước muối sinh lý với các bước như sau:
- Ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước ấm trước khi nhỏ mũi cho trẻ.
- Cho bé nằm ngửa, đầu hơi ngửa nhẹ ra sau sao cho đầu thấp hơn chân để tránh bé bị sặc.
- Nhỏ nước muối sinh lý vào từng bên mũi với liều lượng: Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nhỏ 2 – 3 giọt, trẻ lớn hơn nhỏ 4 – 5 giọt.
- Đợi khoảng 30 giây để nước muối làm loãng chất nhầy bên trong hốc mũi.
- Cho trẻ ngồi dậy xì mũi hoặc sử dụng dụng cụ hút mũi (trẻ nhỏ không biết xì mũi).
- Thực hiện nhỏ mũi và hút mũi cho trẻ sơ sinh khoảng 4 lần mỗi ngày cho đến khi trẻ không còn bị sổ mũi, nghẹt mũi nữa.
Lưu ý: Nếu nước mũi của trẻ từ màu trắng trong chuyển sang màu vàng xanh, bố mẹ nên đưa bé thăm khám càng sớm càng tốt để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và có cách điều trị phù hợp.
Cho trẻ tắm nước gừng ấm
Tình trạng sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể được cải thiện nếu mẹ cho bé tắm nước gừng ấm. Khi tắm nước gừng ấm, dịch mũi của bé sẽ lỏng ra, giúp trẻ dễ xì ra ngoài cũng như mẹ có thể dễ dàng làm sạch chất nhầy bên trong hốc mũi bằng dụng cụ chuyên dụng.
Xem thêm: 7 mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Nằm cao đầu khi ngủ
Cho trẻ nằm cao đầu khi ngủ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn vì nước mũi sẽ chảy ra ngoài, không chảy ngược vào trong gây nghẹt mũi.
Dùng bóng hút mũi để hút mũi cho bé
Bóng hút mũi là một dụng cụ y tế được sử dụng để hút dịch nhầy từ mũi của trẻ. Dịch nhầy có thể gây tắc nghẽn đường thở của trẻ, khiến trẻ khó thở, khó ngủ và ăn uống. Bóng hút mũi có thể giúp làm thông thoáng đường thở của trẻ, giúp trẻ dễ thở hơn.
Bóng hút mũi có thể được sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng bóng hút mũi đúng cách để tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Dưới đây là hướng dẫn sử dụng bóng hút mũi đúng cách:
Trước khi hút mũi cho bé ba mẹ cần phải rửa tay bằng xà phòng trước, sau đó lắp ống hút vào bóng hút mũi rồi nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi của bé, nên nhỏ từ 1 đến 3 giọt và chờ đợi khoảng 20 giây để làm loảng chất nhầy. Bóp bóng hút mũi trước khi đưa vào mũi của bé để tạo ra lực hút, đặt ống hút vào một bên mũi của bé và thả bóng để hút chất nhầy ra. Thực hiện tương tự với lỗ mũi còn lại của bé.
Sử dụng thuốc trị sổ mũi nghẹt mũi cho bé theo chỉ định của bác sĩ
Nên đưa bé thăm khám sớm khi bé bị sổ mũi kèm sốt, nhức mỏi toàn thân, nôn ói, mệt mỏi… và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc uống.(2)
Nếu trẻ bị chảy nước mũi đi kèm các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, bé hắt hơi sổ mũi, đau họng, ho… bố mẹ có thể cho trẻ uống một số loại thuốc:
- Thuốc kháng histamin dạng siro hoặc thuốc nước để giảm ho, chống dị ứng. Tuy nhiên, lưu ý thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ, khuyến cáo không nên cho trẻ sử dụng dài ngày, không dùng cho trẻ ho có đờm, mắc bệnh hen suyễn, viêm đường hô hấp dưới.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau như Hapacol Paracetamol. Lưu ý, quá liều Paracetamol có thể gây độc cho gan và các tác dụng phụ như đau bụng, nôn… Vì vậy, bố mẹ cần tuyệt đối tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc.
- Thuốc kháng sinh có thể được bác sĩ chỉ định để chữa sổ mũi cho trẻ trong trường hợp viêm nhiễm nặng do tác nhân vi khuẩn. Khi dùng thuốc kháng sinh, phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm ho như Codein và Dextromethorphan chỉ định cho các trường hợp ho khan, ho dai dẳng gây mệt mỏi, mất ngủ… Lạm dụng thuốc có thể gây suy hô hấp, vì vậy bố mẹ cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc giảm ho Codein và Dextromethorphan cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc trị sổ mũi nghẹt mũi cho bé khác như thuốc chống sung huyết, ngạt mũi…
Ngoài những cách điều trị trên, phụ huynh cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn lỏng, mang tất chân để giữ ấm, chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh bằng dầu tràm, dầu khuynh diệp…
3. Những lưu ý cần biết khi chữa nghẹt mũi cho trẻ
Khi điều trị sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý:
- Không nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé vì tỏi có tính nóng và cay có thể gây nóng rát, phù nề và làm bỏng niêm mạc mũi của trẻ.
- Hạn chế rửa mũi nhiều cho bé vì có thể làm mất lượng chất nhầy tự nhiên có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn, khiến trẻ bị khô mũi, tổn thương niêm mạc…
- Không dùng miệng hút mũi cho bé bởi cách làm này có thể làm lây mầm bệnh từ miệng của bố mẹ sang cho bé. Ngoài ra, khi sử dụng dụng cụ hút mũi hay dùng xilanh phải thực hiện nhẹ nhàng, không nên chọc sâu ống hút vào mũi vì có thể gây phù nề niêm mạc.
- Lạm dụng thuốc nhỏ mũi chứa Corticoid, thuốc kháng sinh… không theo chỉ định của bác sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như ức chế vỏ thượng thận làm tăng giữ muối, ức chế lành vết thương, tăng đường huyết…
4. Phương pháp phòng ngừa bệnh sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C vào thực đơn ăn uống hàng ngày để giúp bé tăng cường sức đề kháng. (2)
Để phòng ngừa tình trạng trẻ bị chảy nước mũi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi, bố mẹ nên:
- Giữ ấm cho trẻ trong những ngày lạnh hoặc thời tiết thay đổi, đặc biệt là vùng vùng đầu, cổ, ngực, lòng bàn tay, lòng bàn chân…
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung thực phẩm giàu vitamin (đặc biệt là vitamin C), sắt vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày.
- Với trẻ bú mẹ, mẹ nên hạn chế thức ăn dầu mỡ và chiên rán để trẻ hấp thụ nguồn sữa tốt, từ đó đảm bảo sức khỏe cho bé.
- Vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi bé ngủ.
Sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và gây ra nhiều khó chịu. Vì vậy, bố mẹ nên chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ và hiểu rõ về cách điều trị tại nhà như dùng thuốc, vệ sinh, hút mũi… để can thiệp từ sớm. Nếu nhận thấy trẻ bị chảy nước mũi không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng khác như ho, đau nhức cơ thể, nôn ói, mệt mỏi… tốt nhất bố mẹ nên đưa bé thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nguồn tham khảo:
- https://www.stanfordchildrens.org/es/topic/default?id=solutions-for-your-newborns-stuffy-nose-197-30216
- https://www.healthline.com/health/newborn-congestion