Cẩm Nang | Nguyên nhân viêm tiểu phế quản, cách điều trị chuẩn y khoa

Nguyên nhân viêm tiểu phế quản, cách điều trị chuẩn y khoa

Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý về đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, do các loại virus như RSV, cúm, Adenovirus… gây nên. Triệu chứng bao gồm ho, sổ mũi, khó khăn khi thở, sốt… Loại bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng viêm tiểu phế quản nguy hiểm. Trong bài viết này, Hapacol sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng ngừa, điều trị loại bệnh này.

1. Viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh gì?

Bệnh viêm tiểu phế quản là một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, tác động chủ yếu đến các ống thở nhỏ trong phổi. Việc virus xâm nhập vào cơ thể dẫn đến sự viêm nhiễm và sưng lên của các ống thở này, tạo nên cản trở trong quá trình lưu thông không khí qua phổi. Kết quả là, trẻ em mắc bệnh này thường gặp khó khăn trong việc thở, cùng với các triệu chứng như ho, sổ mũi và tiếng kêu khi thở (1).

Trẻ em thường mắc bệnh viêm tiểu phế quản, nhất là từ 2 đến 6 tháng tuổi

Trẻ em thường mắc bệnh viêm tiểu phế quản, nhất là từ 2 đến 6 tháng tuổi

Bệnh thường phổ biến vào mùa đông và đầu xuân, khi điều kiện môi trường lạnh và độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của virus. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử về các vấn đề hô hấp có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tiểu phế quản. 

2. Trẻ bị viêm tiểu phế quản do những nguyên nhân nào 

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường do các loại virus gây ra, trong đó có virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm vị trí phổ biến nhất, chiếm khoảng 30-50% tổng số ca bệnh. Đây là một loại virus có khả năng lây lan nhanh chóng, dễ dàng bùng phát thành dịch bệnh, đặc biệt là ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Virus cúm cũng đóng góp vào tần suất bệnh, chiếm khoảng 25% tổng số ca, trong khi Adenovirus chiếm 10%. Các loại virus khác như: Adenovirus, Rhinovirus và virus Parainfluenza cũng có thể gây ra bệnh nhưng chúng thường ít phổ biến hoặc hiếm gặp(2).

Virus là nguyên nhân gây nên bệnh viêm tiểu phế quản

Virus là nguyên nhân gây nên bệnh viêm tiểu phế quản

Sau khi nhiễm phải virus, chúng sẽ sinh sôi và phát triển trong cơ thể, gây nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, bao gồm mũi, miệng và cổ họng. Chúng lan rộng xuống khí quản và phổi, gây sưng và viêm các ống thở, đôi khi có thể làm tổn thương các tế bào bên trong đường hô hấp. Các chủng virus này thường lây lan khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy hoặc nước bọt của người nhiễm, thông qua hành động như hắt hơi, thở khò khè hoặc nói chuyện. Tuy nhiên, để đảm bảo chẩn đoán và điều trị chính xác, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ là quan trọng và cần thiết.

Xem thêm: Tìm hiểu viêm phế quản cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

3. Trẻ bị viêm tiểu phế quản có những triệu chứng gì?

Bé bị viêm tiểu phế quản thường biểu hiện một loạt các triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. 

  • Biểu hiện của viêm tiểu phế quản ban đầu (3-5 ngày):
  • Trẻ có thể bắt đầu có triệu chứng ho, đặc biệt là ho kéo dài và có thể đi kèm với đờm.
  • Có thể trẻ sẽ bị chảy nước mũi trong.
  • Trẻ có thể có sốt, có thể là sốt vừa hoặc sốt cao.
  • Biểu hiện của viêm tiểu phế quản thời gian bệnh phát triển (3-5 ngày sau đó):
  • Cơn ho của trẻ có thể trở nên nặng hơn và có thể xuất hiện tình trạng khó thở hoặc thở rít.
  • Trẻ có thể thể hiện nhịp thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm.
  • Trẻ có thể từ chối bú và thể hiện sự kém ăn.
  • Màu sắc da trẻ có thể trở nên tím tái.
Biểu hiện bệnh viêm tiểu phế quản thường là sốt, ho, lồng ngực rút lõm khi thở

Biểu hiện bệnh viêm tiểu phế quản thường là sốt, ho, lồng ngực rút lõm khi thở

  • Biểu hiện của viêm tiểu phế quản mức nguy hiểm (3-5 ngày sau đó):
  • Lồng ngực của trẻ có thể bị rút lõm mạnh khi thở.
  • Trẻ gặp khó khăn khi hít thở nhằm lấy đủ không khí vào phổi.
  • Có thể nghe tiếng ran rít khi thở.
  • Trẻ có thể từ chối bú hoặc ngủ li bì.

Triệu chứng ho, thở khò khè có thể kéo dài trong khoảng 7 ngày và nếu không được chăm sóc tốt, có thể diễn biến lâu dài hơn. Nếu được chăm sóc tốt, triệu chứng sẽ giảm dần trong khoảng 14 ngày.

4. Đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản 

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản cao hơn cả. Bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ, làm tăng khả năng nhiễm trùng.

Ngoài ra, những bé ở trong môi trường sống không tốt cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Ví dụ như:

  • Trẻ sống ở những vùng có dịch cúm đang bùng phát hoặc bệnh hộp hấp do virus RSV gây ra
  • Trẻ thường tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm và hút thuốc lá thụ động có thể làm tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản.
  • Trẻ không được chăm sóc bằng sữa mẹ cũng thuộc trường hợp dễ mắc viêm tiểu phế quản.
  • Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch yếu và có khả năng phát triển phổi kém, làm tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản.
  • Trẻ đã từng mắc một số bệnh như viêm mũi họng hay viêm amidan có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng tiểu phế quản.
  • Trẻ có anh chị em bị bệnh viêm tiểu phế quản.

5. Cách chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản 

Chẩn đoán viêm tiểu phế quản thường dựa vào sự kết hợp của bệnh sử, các dấu hiệu lâm sàng và một số phương pháp xét nghiệm hỗ trợ. Dưới đây là thông tin về cách chuẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản:

  • Cách chẩn đoán thông qua bệnh sử và triệu chứng:

Bác sĩ sẽ thu thập thông tin chi tiết về bệnh sử của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng như: ho, khó khăn khi thở, sổ mũi và tiếng kêu khi thở. Sự xuất hiện của các triệu chứng khác nhau như khò khè, tiền sử gia đình về hen phế quản hay các đợt khò khè trước đó có thể giúp xác định hơn về bản chất của bệnh.

  • Bác sĩ tiến hành khâu khám lâm sàng để chẩn đoán:

Bác sĩ thực hiện một bộ khám lâm sàng để đánh giá các dấu hiệu về viêm nhiễm trong đường hô hấp, như tiếng ngực, tiếng kêu khi thở và sưng mũi.

Đo SpO2 (độ bão hòa oxy máu) có thể được thực hiện để đánh giá mức độ oxy hóa máu.

Bác sĩ có thể thực hiện nhiều cách để chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ

Bác sĩ có thể thực hiện nhiều cách để chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ

  • Thực hiện X-quang ngực:

Đối với trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang ngực để kiểm tra hình ảnh lồng ngực, cơ hoành hạ thấp và mờ rốn phổi. Hình ảnh này có thể cho thấy những biểu hiện của viêm tiểu phế quản nhưng không phải lúc nào cũng là cần thiết cho trường hợp nhẹ.

  • Xét nghiệm kháng nguyên RSV:

Thử nghiệm kháng nguyên nhanh RSV trên mẫu nước rửa mũi, hút mũi hoặc tăm bông lấy bệnh phẩm mũi có thể được thực hiện, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân nặng. Kết quả có thể hỗ trợ trong việc quyết định về cách ly và quản lý điều trị.

  • Loại trừ các nguyên nhân khác:

Bác sĩ cũng có thể loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây triệu chứng tương tự, như trào ngược dạ dày, dị vật đường thở, hoặc suy tim.

6. Cách điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ 

Điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ đặc biệt quan trọng, giúp giảm bớt triệu chứng và nguy cơ nặng hơn của tình trạng này. Quyết định nhập viện hay điều trị tại nhà phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ.

Đối với trường hợp bệnh điều trị tại nhà:

Việc điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ thường được thực hiện tại nhà với các biện pháp hỗ trợ, giúp giảm bớt triệu chứng và đảm bảo sự thoải mái cho trẻ. Quan trọng nhất là việc thực hiện nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có cơ hội hồi phục từ tình trạng nhiễm trùng. 

  • Bổ sung nước cũng là một phần quan trọng, giúp làm mỏng đờm và duy trì cân bằng nước trong cơ thể. 
  • Thực hiện vệ sinh mũi và miệng đều đặn giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và giảm triệu chứng kích thích.
  • Bổ sung dinh dưỡng đa dạng giúp tăng cường sức khỏe tổng thể của trẻ, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh trạng.
  • Hạn chế tiếp xúc của trẻ với các yếu tố làm tăng mức độ bệnh như phấn hoa, thuốc lá và các mùi kích thích khác có thể gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc phế quản.
  • Cha mẹ cần đưa trẻ đi tái khám định kỳ theo hướng dẫn của chuyên gia để đảm bảo theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.
  • Sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ cũng giúp giảm các biểu hiện của viêm tiểu phế quản.

Đối với trường hợp chỉ định nhập viện:

Trong những trường hợp nặng và có nguy cơ suy hô hấp, việc nhập viện là cần thiết. Chế độ điều trị tại bệnh viện bao gồm:

  • Cung cấp ôxy khi cần thiết để duy trì độ bão hòa oxy trên 90%. 
  • Truyền dịch qua đường tĩnh mạch được thực hiện nếu trẻ không thể uống đủ lượng nước cần thiết. 
  • Đặt nội khí quản có thể xem xét trong các trường hợp ngưng thở tái diễn nặng hoặc khi không đáp ứng với liệu pháp oxy.
Điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà hoặc tại viện tùy thuộc vào tình trạng bệnh

Điều trị viêm tiểu phế quản tại nhà hoặc tại viện tùy thuộc vào tình trạng bệnh

  • Tùy chọn điều trị khác được áp dụng:

Corticosteroid có thể được sử dụng ở những trẻ có bệnh nền đáp ứng tốt với loại thuốc này, như loạn sản phế quản hoặc hen. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh chỉ được thực hiện khi có bằng chứng về nhiễm khuẩn thứ phát. Các phương pháp điều trị như thuốc giãn phế quản và ribavirin có thể được áp dụng trong một số trường hợp nhưng hiệu quả không đồng nhất và phải được quan sát kỹ lưỡng.

7. Những biến chứng viêm tiểu phế quản của trẻ cha mẹ cần biết 

Viêm tiểu phế quản ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là đối với trẻ sinh non hoặc trẻ đang gặp các vấn đề sức khỏe khác. 

Một số biến chứng viêm tiểu phế quản có thể xảy ra: 

  • Rối loạn chức năng hô hấp: Viêm tiểu phế quản có thể gây ra rối loạn chức năng hô hấp, làm tăng khó khăn trong quá trình hít thở và thở ra của trẻ.
  • Suy hô hấp: Trong một số trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp cấp, đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức để duy trì sự sống.
  • Tràn khí màng phổi: Viêm tiểu phế quản có thể gây ra tràn khí màng phổi, tình trạng nơi không khí chứa trong phổi bị rò rỉ vào màng phổi xung quanh.
  • Ngưng thở: Trường hợp nặng có thể dẫn đến ngừng thở, là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm đòi hỏi cấp cứu ngay lập tức.
  • Viêm phổi ở trẻ: Bé bị viêm tiểu phế quản có thể gây ra viêm phổi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tình trạng sưng nhiễm của phổi.
  • Xẹp phổi: Viêm tiểu phế quản có thể dẫn đến tình trạng xẹp phổi, ảnh hưởng đến khả năng phổi mở rộng và thực hiện chức năng hô hấp.
  • Viêm tai giữa: Một số trẻ bị viêm tai giữa, một biến chứng phổ biến của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Theo thống kê, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ có nguy cơ gây tử vong cho khoảng 0,1% trẻ mắc bệnh, đặc biệt là khi trẻ không được chăm sóc y tế đầy đủ.

8. Những triệu chứng nên đi gặp bác sĩ 

Những biểu hiện của viêm tiểu phế quản ở trẻ em thường thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau, đặc biệt là khi chúng trở nên tồi tệ thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Khó thở sau khi ho: Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc thở sau khi ho, có thể là dấu hiệu của sự tổn thương hoặc co thắt ở đường hô hấp.
  • Bỏ ăn: Việc trẻ từ chối ăn có thể là dấu hiệu của sự không thoải mái hoặc đau khi nuốt, điều này có thể xuất phát từ viêm tiểu phế quản.
  • Ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ li bì: Thay đổi trong thói quen ngủ của trẻ, đặc biệt là ngủ li bì có thể là dấu hiệu của sự mệt mỏi do cơ thể đang chiến đấu với bệnh lý.
  • Quấy khóc, dễ cáu gắt: Trẻ có thể trở nên cáu kỉnh và quấy rối do cơ thể không thoải mái, đau đớn.
  • Sốt cao: Sốt là một biểu hiện phổ biến của nhiễm trùng và nếu sốt kéo dài, đặc biệt là sau khi trẻ đã sử dụng thuốc hạ sốt thì đó có thể là một tín hiệu cần đến bác sĩ.
  • Dấu hiệu mất nước: Khô môi, khô miệng và không đi tiểu trong khoảng thời gian 6-8 giờ có thể là dấu hiệu của việc mất nước.

Lưu ý rằng đây chỉ là thông tin chung và không thay thế cho tư vấn y tế chính xác từ bác sĩ. Nếu có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của trẻ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay lập tức.

9. Cách phòng ngừa viêm tiểu phế quản 

Viêm tiểu phế quản là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, sau khi điều trị thì tỷ lệ tái phát của bệnh này lên đến 75% trong vòng 1 năm. Do đó, việc chủ động phòng ngừa không chỉ quan trọng đối với trẻ chưa từng mắc bệnh mà còn với những trẻ đã trải qua quá trình điều trị.

Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất bảo vệ trẻ khỏi bệnh viêm tiểu phế quản

Chủ động phòng ngừa là cách tốt nhất bảo vệ trẻ khỏi bệnh viêm tiểu phế quản

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc cồn, cách ly trẻ khi có biểu hiện bệnh và tiêm Palivizumab cho trẻ có nguy cơ cao là những biện pháp cơ bản nhưng hiệu quả.
  • Cho trẻ uống đủ nước, nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên và cung cấp chế độ ăn đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính.
  • Tránh môi trường nhiễm bụi và thuốc lá, vệ sinh không gian sống và tránh chia sẻ đồ cá nhân là những biện pháp khác để giảm rủi ro. 
  • Thói quen dùng giấy che miệng khi hắt hơi cũng là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn chặn lây lan qua đường hô hấp.
  • Tiêm phòng cúm định kỳ cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn hỗ trợ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh

Kết luận

Bài viết đã tổng hợp và chia sẻ một số kiến thức liên quan về nguyên nhân, cách điều trị bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp ích cho bạn. Nếu bạn muốn biết thêm nhiều thông tin về các phòng ngừa các bệnh hô hấp có thể truy cập vào website của Hapacol. 

Nguồn tham khảo:

(1) https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/b/bronchiolitis-in-children.html

(2) https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/chest-lungs/Pages/Bronchiolitis.aspx

Các bài viết khác

Tăng thân nhiệt là gì? Tăng thân nhiệt có nguy hiểm không?

Có nhiều nguyên nhân gây tăng thân nhiệt như nắng nóng, thiếu nước hoặc các bệnh lý khác. Tình trạng tăng nhiệt...

Những dấu hiệu khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết

Hiện tại, chưa có phương pháp hoặc loại thuốc đặc hiệu nào để điều trị sốt xuất huyết. Các phương pháp điều...

Nguyên nhân người nóng bừng nhưng không sốt bạn nên biết

Tình trạng người nóng bừng nhưng không sốt luôn khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, nóng bức dù thời tiết mát...

Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản co thắt hiệu quả

Viêm phế quản co thắt thường xuất hiện khi phế quản bị kích thích và trở nên sưng, làm tăng sự co...

Cách chữa trị cho trẻ sơ sinh bị táo bón không đi ngoài được

Sơ sinh trẻ em được phân tích ngoài thực tế là một công thức hoàn chỉnh dành cho nhiều bà mẹ. Đứng...

Nguyên nhân và cách xử lý cho bé 2 tháng tuổi bị táo bón

Những người mẹ bỉm có bé 2 tháng tuổi bị táo bón thường rất lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, tình...