Alo Bác Sĩ | | Sâu răng hàm ở trẻ: Điều trị sớm kẻo hối tiếc

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Sâu răng hàm ở trẻ: Điều trị sớm kẻo hối tiếc

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị sâu răng do chúng thường thích ăn đồ ngọt nhưng lại không biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Trong đó, sâu răng hàm ở trẻ là một vấn đề rất dễ mắc phải mà lại khó nhận biết để điều trị kịp thời.

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị sâu răng. Lớp men răng ở trẻ thường mỏng và mềm hơn khiến răng dễ bị tổn thương và dẫn đến sâu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ phòng ngừa được tình trạng này.

Khi khoảng 13–19 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng hàm sữa số 1 mà sau khi thay răng sẽ trở thành răng tiền hàm (răng hàm nhỏ).

Răng số 6 (răng hàm lớn thứ 1) là răng vĩnh viễn đầu tiên mọc sớm nhất vào lúc 6 tuổi. Kể từ lúc đó, các răng vĩnh viễn khác sẽ mọc tuần tự để thay thế răng sữa. Nếu không chú ý chăm sóc răng miệng thì sâu răng hàm ở trẻ rất dễ xuất hiện.

1. Nguyên nhân trẻ bị sâu răng hàm

Răng hàm đóng vai trò quan trọng trong việc nhai và nghiền thức ăn. Đồng thời, do vị trí nằm sâu bên trong nên những răng hàm cũng tiềm ẩn nguy cơ bị sâu nhiều hơn nếu không vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn còn sót lại trên răng, mảng bám hình thành theo thời gian tạo điều kiện cho vi khuẩn xuất hiện, phát triển và gây ra nhiều vấn đề.

Vi khuẩn sử dụng đường có trong thực phẩm và đồ uống để tạo ra axit làm hỏng lớp men răng. Bình thường, nước bọt sẽ giúp bảo vệ răng và rửa trôi những tác nhân này. Tuy nhiên, theo thời gian khi nước bọt không còn đủ khả năng bảo vệ, lớp men bị ăn mòn tạo ra các lỗ hổng được gọi là sâu răng.

Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn suy nghĩ các răng của trẻ vẫn là răng sữa và có thể thay thế bằng răng vĩnh viễn nên không chú ý chăm sóc răng miệng cho con cái. Thế nhưng đó là một quan niệm sai lầm. Cho dù các răng sữa có thể được thay thế nhưng chúng giúp định hình vị trí cho răng vĩnh viễn sau này không bị xô lệch.

Do đó, nguyên nhân dẫn đến sâu răng hàm ở trẻ chủ yếu là do ăn nhiều đồ ngọt và việc vệ sinh răng miệng chưa được thực hiện đúng cách.

 

Những tác hại khi trẻ bị sâu răng hàm

Để tránh các hậu quả nghiêm trọng, vấn đề sâu răng nên được giải quyết sớm nhất có thể

2. Sâu răng hàm ở trẻ gây ra những tác hại gì?

Vì có chức năng giúp xé, nhai và nghiền thức ăn nên nếu những răng hàm bị sâu dẫn đến đau, khó chịu sẽ khiến quá trình xử lý thức ăn ở miệng bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ tránh nhai mạnh để răng hàm ít chịu tác động và thức ăn chưa được nghiền kỹ đã bị nuốt xuống dạ dày. Điều đó khiến các bộ phận tiêu hóa tiếp theo hoạt động nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cảm giác đau, nhức răng do sâu cũng khiến trẻ gặp khó khăn khi ăn một số thực phẩm. Nhiều trẻ còn lười ăn, bỏ bữa để hạn chế cảm giác đau răng. Sâu răng thậm chí xuất hiện ngay cả trong khi ngủ.

Nếu sâu răng nặng xảy ra ở răng hàm sữa khiến trẻ phải nhổ bỏ răng này trước tuổi thay răng (bắt đầu từ 6 tuổi) thì nướu có khả năng bị khô lại khiến răng hàm vĩnh viễn rất khó mọc. Khi đó, răng có mọc chèn lên phía trước, ảnh hưởng đến cấu trúc của cả hàm và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như thẩm mỹ.

Hơn thế nữa, sâu răng không được điều trị kịp thời còn dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tủy răng, viêm nha chu, hình thành áp xe chân răng…

3. Điều trị tình trạng sâu răng hàm ở trẻ

Tùy vào giai đoạn sâu răng hiện tại, răng hàm bị sâu có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Nếu trên răng mới xuất hiện các rãnh màu nâu đen hay tình trạng sâu chưa nặng, nha sĩ sẽ sử dụng vật liệu chuyên dụng để trám lại răng sâu. Cách này giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.

Nếu sâu răng nghiêm trọng ở răng hàm sữa buộc phải nhổ bỏ thì việc mọc răng vĩnh viễn sau này có thể bị ảnh hưởng. Khi đó, bạn hãy trao đổi với nha sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Khi tình trạng sâu răng hàm ở trẻ gây nhiều đau đớn, khó chịu, bạn có thể cho trẻ uống paracetamol (Hapacol) với liều dùng cho trẻ em để giảm đau tạm thời.

Nếu bạn đang tìm kiếm những cách điều trị tình trạng sâu răng ở trẻ cụ thể hơn thì bạn có thể tham khảo: Cách chữa sâu răng cho trẻ 4 tuổi

Điều trị tình trạng trẻ bị sâu răng hàm

Bố mẹ có thể giúp trẻ giảm đau do sâu răng hàm bằng cách sử dụng paracetamol.

4. Phòng ngừa tình trạng trẻ em bị sâu răng hàm

Đường là tác nhân chính tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển, phá hủy lớp men cứng phủ bên ngoài răng. Do đó, bạn nên nhắc nhở trẻ nên súc miệng sạch bằng nước sau khi ăn bánh kẹo ngọt hay các thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường.

Bên cạnh đó, bạn nên rèn luyện thói quen vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày và súc miệng bằng nước muối cho trẻ. Hãy chải răng cho trẻ từ khi còn bé hoặc hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách. Cả nhà có thể cùng nhau đánh răng mỗi ngày để trẻ cảm thấy hứng thú trong việc thực hiện vệ sinh cá nhân.

Trường hợp phát hiện trên răng có những vết ố vàng nâu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy sâu răng đang hình thành. Lúc này, bạn có thể cho trẻ dùng kem đánh răng có chứa fluor để dự phòng và hạn chế sâu răng tiến triển.

Bạn cũng đừng quên đưa trẻ đến nha khoa định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị sâu răng, nếu có. Sâu răng hàm ở trẻ em thường khó phát hiện khi nhìn qua bằng mắt mà cần được nha sĩ kiểm tra cẩn thận.

Các lời khuyên khác