Cách sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt cao, co giật, nôn trớ
Làm cha mẹ, chúng ta hầu như ai cũng phải thường xuyên đối mặt với những cơn sốt của trẻ, từ sốt nhẹ, vừa đến sốt cao, co giật kèm nôn trớ. Phương pháp hạ sốt được ưu tiên hàng đầu luôn là dùng thuốc hạ sốt. Thế nhưng, trên thị trường thì có vô vàn loại thuốc hạ sốt như paracetamol, aspirin, ibuprofen … vậy cách sử dụng từng loại thuốc hạ sốt như thế nào thì các mẹ đã nắm rõ chưa? Mời các mẹ theo dõi bài viết sau nhé.
Trẻ bị sốt nên dùng những loại thuốc hạ sốt nào?
Các thuốc có thành phần Paracetamol là lựa chọn hàng đầu để hạ sốt cho trẻ do độ an toàn cao và ít tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có Ibuprofene và Aspirin nhưng chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ do có nhiều tác dụng phụ.
Thuốc hạ sốt dành cho trẻ em nên có thành phần Paracetamol, an toàn và ít tác dụng phụ.
Paracetamol
An toàn cao cho trẻ, liều dùng là 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ hoặc 10mg/kg mỗi 4 giờ. Nên cân trẻ để tính liều cho chính xác. Trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 8 giờ.
Ví dụ: Bé nặng 13kg thì sẽ cho trẻ uống mỗi 4 giờ là 130mg hoặc 195mg mỗi 6 giờ (Tương đương 1 gói Hapacol 150mg + ½ gói Hapacol 80mg).
Thông dụng nhất là các dạng tọa dược (thuốc đút hậu môn) và dạng uống, ngoài ra còn có dạng tiêm truyền nhưng chỉ được sử dụng ở bệnh viện.
– Dạng tọa dược
- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc trẻ ngủ, ói nhiều và trẻ đang lên cơn sốt cao co giật.
- Điều trị bằng tọa dược ngắn hạn, sau đó chuyển sang dạng uống vì dạng tọa dược có thể gây ngứa, kích thích trực tràng.
- Cách dùng: Làm lạnh viên thuốc trước khi đặt. Chỉ đặt cho viên thuốc vừa vào hết hậu môn là được. Không đặt thuốc quá sâu vì như thế thuốc sẽ giảm tác dụng. Nên cho trẻ nằm yên vài phút sau khi đặt viên thuốc. Trong trường hợp đặt 2 viên mới đủ liều thì sau khi đặt viên thứ nhất, phải đợi 1-2 phút mới đặt tiếp viên thứ 2. Tốt nhất nên chọn loại viên tọa dược có hàm lượng phù hợp.
– Dạng uống
- Thích hợp khi cần hạ sốt trong lúc bé thức, có nhiều dạng như thuốc bột, thuốc giọt, xirô, thuốc viên.
- Gói bột sủi bọt là dạng uống phổ biến nhất.
- Cách dùng: Cho thuốc vào một cốc nhỏ nước để hòa tan, cho trẻ uống ngay sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn.
Ở Việt Nam, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo các bậc phụ huynh sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol để hạ sốt cho trẻ vì tính an toàn, ít tác dụng phụ và dễ uống. Tuy nhiên, thuốc chỉ là nhất thời, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng liên tục mà nên có sự hỗ trợ cùng với biện pháp lau mát liên tục, mặc áo mỏng, thoáng mát để các bé giảm sốt.
Thuốc giảm đau hạ sốt Hapacol dành cho trẻ em chứa Paracetamol, vị ngọt dễ uống, an toàn cho bé.
Aspirin
- Không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.
- Từ nhiều năm nay, Aspirin ít được dùng để hạ sốt cho trẻ em vì có thể gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và có liên quan đến hội chứng Reye’s (gây tổn thương gan và thần kinh).
- Liều dùng 60mg/kg/ngày hoặc 15mg/kg mỗi 6 giờ.
- Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Ibuprofene
- Chỉ dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Ở trẻ nhỏ, Ibuprofene thường gây nhiều tác dụng phụ, nhất là ở trẻ bị thủy đậu.
- Không được dùng khi trẻ bị lóet dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.
- Liều dùng 20-30mg/kg/ngày hoặc 7-10mg/kg mỗi 6-8 giờ đường uống.
- Chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm: 10 nguyên tắc mẹ cần nhớ khi trẻ bị sốt
Các qui tắc chung khi sử dụng thuốc hạ sốt
- Không tự ý cho trẻ dưới 3 tháng dùng thuốc mà không có ý kiến bác sĩ.
- Tính liều theo cân nặng của trẻ.
- Đọc kỹ nhãn thuốc, chỉ dẫn trước khi dùng.
- Cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng.
- Dùng thuốc còn trong hạn sử dụng.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt ba mẹ cần lưu ý ngay